• No products in the cart.
Back to Top

FCT Club

CUỘC THI VIẾT LUẬN FCTC 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 2

Tác giả: Châu Nguyễn Tố Trinh

Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:

Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?

Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?

BÀI LUẬN

Cuộc sống của con người luôn là một bức tranh được tạo nên từ những mảnh ghép muôn màu rực rỡ, bởi cuộc đời không mãi nhuốm một màu hồng tuyệt đẹp, trải đầy hoa hồng trên từng bước chân đi, nó còn chứa đựng đủ thứ gia vị, từ “vị ngọt thành công” đến “đắng cay thất bại”. Thành công, hạnh phúc là những điều tốt đẹp, ngọt ngào mà ai ai cũng khát khao hướng tới. Vậy bản chất của thành công là gì? Thành công là một khái niệm không cụ thể. Mỗi cá nhân có một định nghĩa riêng. Quan niệm “thành – bại” có thể khác ở từng người và chúng phụ thuộc vào trải nghiệm, góc nhìn, nhu cầu và quan điểm sống của họ. Ở thế kỉ 21, chúng ta có thể tự đặt ra các tiêu chuẩn thành công của riêng mình, không bị bó buộc như những thế hệ trước, đấy là một điều may mắn mà tôi nhận thấy khi được sinh ra ở thời đại này. Nhiều con đường dẫn đến thành công để cho ta lựa chọn hơn. Chúng cũng tùy thuộc vào thái độ đối diện với thử thách của mỗi con người. “Thua keo này ta bày keo khác”, “Thất bại là mẹ thành công”, “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”,…Chỉ cần có tinh thần lạc quan cùng với lối sống tích cực, biết chấp nhận, dám đương đầu, đối mặt với những khó khăn, trắc trở và ý chí quyết tâm bước đi trên con đường phía trước, dẫu có ghập ghềnh đến đâu đi chăng nữa, ta vẫn sẽ tìm cho riêng mình được lối đi riêng, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có”, và con đường ấy sẽ dẫn đến sự thành công ta rất đỗi mong chờ . Đó là một trong những yếu tố để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.

Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với những tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Đấy là một sự thành công vô cùng to lớn. Có thể nhìn nhận được rằng điểm chung rõ ràng nhất của cả 3 nước này đều là những nước thuộc phe phát xít. Hậu thế chiến 2 đã gây ra biết bao sự đau thương bao trùm lên cả toàn nhân loại, Hitler đã từng nói: “Những ngày hạnh phúc của nhân loại đã trôi qua”. Chính cuộc chiến tàn khốc ấy đã để lại cho con người những nỗi đau sâu sắc, những nỗi mất mát đến bi thương. Có lẽ ta phải thừa nhận rằng sự nỗ lực vươn lên, vực dậy khỏi những tàn dư sau chiến tranh của 3 cường quốc ấy đã để lại cho mỗi dân tộc những bài học quý giá. Bên cạnh những chính sách cải cách đúng đắn của chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường dẫn đến sự tăng trưởng vượt bậc đến “diệu kì” của nền kinh tế, không thể không kể đến công sức của một lực lượng lao động có trình độ, cần cù và tính kỷ luật cao. Nhắc đến Đức, Ý và Nhật, ta chắc chắn sẽ ngỡ ngàng bởi sự siêng năng, cần cù cùng với tinh thần đam mê học hỏi của con người nơi đây, và tính cách can đảm, nghiêm khắc, kỉ luật cao trong công việc. Mỗi người dân luôn giữ trong mình một “kỷ luật thép”, một phong cách làm việc khác biệt, chuyên nghiệp, làm hết sức, chơi hết mình. Chính vì thế, đến những giai đoạn sau này, họ vẫn có năng suất lao động vượt trội so với nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, ngành công nghiệp điện tử của Nhật, ngành thời trang của Ý và ngành xe hơi, mỹ phẩm của Đức vẫn luôn tạo ra sức hút đặc biệt, khẳng định vị thế hàng đầu trên thế giới. Họ tuyệt đối tôn trọng việc đến đúng giờ. Khi làm việc, họ tập trung hoàn toàn vào công việc mà không tranh thủ làm các tác vụ khác. Ngoài ra, họ cũng tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo, không bao giờ xuề xoà cho qua vì sẽ hình thành thói quen làm sai, bất cẩn. Được giáo dục từ nhỏ nên người dân của 3 quốc gia này trưởng thành tự khắt khe với bản thân trong công việc để đạt hiệu quả cao, không tốn thời gian vô ích. Họ tỉ mỉ, khắt khe, cầu toàn và nghiêm túc tuyệt đối. Họ luôn có ý thức tuân thủ luật lệ, trong cuộc sống và nhất là trong công việc. Ở cả 3 nước, sự phát triển kinh tế còn xuất phát từ các doanh nghiệp có người lao động trung thành, nhờ vào lời hứa về mức lương cao và công việc trọn đời, cũng như việc sản xuất những sản phẩm tiên tiến được xuất khẩu đi toàn thế giới. Bất kể là những tập đoàn xuất hiện từ trước chiến tranh như Mitsubishi hay Sumimoto, những công ty nhỏ hơn thành lập từ trước chiến tranh như Toyota, hay những công ty mới hiện đã trở thành những thương hiệu cực kỳ nổi tiếng như Sony và Honda – các doanh nghiệp ở Nhật Bản đều là những thể chế được tổ chức chặt chẽ theo cấp bậc, giống như một gia đình hay một tổ chức tôn giáo. Sự hợp tác chặt chẽ của Bộ công nghiệp cũng đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Ivan Tselichtchev, một nhà kinh tế ở Đại học Niigata nhận định rằng: “Cơ sở hạ t​ầng về con người đã cung cấp một môi trường rất lý tưởng: Nhật Bản có một lực lượng lớn người lao động năng động, kỷ luật, siêng năng và học hỏi nhanh, sẵn sàng làm việc nhiều giờ đồng hồ với mức lương (ban đầu) thấp và sẵn sàng gắn bó với công việc. Điều này càng được củng cố với việc hình thành công ty kiểu mẫu độc đáo tại Nhật, với cam kết lao động lâu dài, lực lượng lao động có thâm niên và công đoàn làm trụ cột.

Ngoài những yếu tố đó, điều quan trọng nhất có lẽ là lòng yêu nước, quật cường của nhân dân, nhất là Nhật Bản. Từ bao đời, xứ sở hoa anh đào ấy đã khiến ta phải ngưỡng mộ bởi lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết của toàn nhân dân được đúc kết từ những triết lí, đạo đức, ái quốc qua hệ thống giáo lý triết học của Khổng Tử. Mỗi người dân Nhật Bản đều mang trong mình những lối sống tốt đẹp, và lòng quyết tâm xây dựng đất nước vững bền, phát triển mạnh mẽ. Cuộc Duy Tân Minh Trị là nền tảng vững chắc đưa nền giáo dục Nhật Bản tiến xa tới một tầm cao mới, vững vàng hơn. Đây cũng chính là những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt, giúp các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau của Chiến tranh thế giới lần thứ 2 từ suy tàn, kiệt quệ đã nỗ lực vươn mình lên một tầm cao mới, trở thành các cường quốc vững mạnh.

Thiết nghĩ rằng bạn, tôi và tất cả chúng ta cần biết học hỏi những đức tính của họ nếu muốn tương lai có hoa thơm trái ngọt. Bạn nghĩ đó là đức tính nào? Với tôi, yếu tố quan trọng nhất là ý chí, sự nỗ lực của bản thân. Điển hình như với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Bởi lẽ, những tỷ phú sa cơ vốn đi lên từ chính nỗ lực của bản thân mà không hoàn toàn dựa vào may mắn. Vì họ vốn đã đi trên con đường bước đến thành công nên họ hiểu rõ hơn ai hết. Lần đầu chúng ta tự mình đi đến một địa điểm mới có lẽ còn cảm thấy mới lạ, bỡ ngỡ, phải dò dẫm từng bước, đôi khi còn đi nhầm đường, nhưng khi tới lần sau, sự rụt rè, xa lạ ấy chắc chắn sẽ trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” – Lỗ Tấn từng nhận định. Quả thực là như vậy. Cũng có người đã từng nói “Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra một trăm cách làm sai thôi”. Chẳng ai lại muốn bước đi trên chính vết xe đổ của bản thân mình, và chính từ những cách làm sai đó, ta mới chọn cho mình được cách làm đúng đắn và tối ưu nhất.

Tuy nhiên, những người may mắn nếu có cách nhìn đúng đắn, biết cách đầu tư hợp lí, đúng chỗ, phát triển tri thức, tự mình vươn lên thì họ cũng có thể đạt được thành công. Miễn là còn ước mơ, còn có sức mạnh của nội tại thì ta sẽ đạt được những thứ mà trước giờ không dám nghĩ đến: “Bạn sinh ra đã được mang đôi cánh. Vậy tại sao bạn lại muốn trườn qua cuộc đời?”. “Sức mạnh nội tại” chính là nguồn dự trữ bạn có trong hành trình vượt qua các bước ngoặt và thường là những đoạn đường khó đi trong đời. Chúng gồm có tâm trạng tích cực, kiến thức cơ bản, lòng chính trực, bình an nội tại, lòng quyết tâm và một trái tim ấm áp. Mấy mươi năm trước, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn, thế nhưng bây giờ Singapore đã phát triển hơn cả ông mong muốn. Có thể thấy rằng Singapore đã đạt được điều mà lúc trước ông đã hy vọng. Điều đó cho thấy được tầm quan trọng của ước mơ. Ta phải có giấc mơ để thức dậy vào buổi sáng, không ai có thể đánh thuế giấc mơ cả, nên hãy cứ tiếp tục theo đuổi giấc mơ và tin vào chính bản thân mình. Không những thế ta còn phải đặt tâm huyết, công sức vào nó. Thành quả là cả một quá trình, không phải định mệnh, số phận hay may mắn. Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Để đạt được mức lương đó thì chắc hẳn họ đã phải nỗ lực hết mình, dành trọn tâm huyết vào công việc đó và đã có một nền tảng vững chắc từ trước. Cũng có thể nhận ra rằng họ khác nhau ở cách tư duy, biết tiến biết lùi đúng chỗ, nỗ lực tự thân vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khả năng bản thân ta như một dòng chảy, liên tục phát triển. Số phận của cuộc đời khởi nguồn từ các trải nghiệm, mỗi trải nghiệm đều có những bài học được rút ra, đúc kết và là cơ hội tiến lên một nấc cao hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua. Ngoài ra, yếu tố trí tuệ cũng góp một phần tất yếu. Có thể xuất phát điểm chúng ta thua họ nhưng cuộc đời là một cuộc chạy dài. “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện. Chỉ có trí tuệ thôi là chưa đủ, sự kiên trì cũng góp một phần tất yếu trong đó.

Và như chúng ta đã biết, trong lịch sử văn hóa đã có nhiều kiệt tác sinh ra khi tác giả của nó trải qua biết bao sự khắc nghiệt của số phận và bi kịch của cuộc đời. Vậy đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch? Vâng, đúng như vậy! “Bi kịch sinh kiệt tác”. Người nghệ sĩ khi trải qua nghịch cảnh của số phận, thử thách của cuộc đời sẽ càng thấm thía được những giá trị của cuộc sống, thấu hiểu được những nỗi lòng thầm kín của toàn nhân loại, từ đó cất lên tiếng lòng mình đối với cuộc đời đầy bão táp. Chỉ có áp lực mới tạo ra kim cương. Van Gogh là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức. Thể nhưng, ẩn sâu trong những họa phẩm đầy thán phục, ngưỡng mộ của ông là những nỗi thống khổ mà chỉ với nghệ thuật Van Gogh mới có thể trải lòng. Trước đó, ông vật lộn làm nhiều nghề nhưng không thoát cảnh nghèo, bị chứng trầm cảm hành hạ, từng tự cắt tai trái. Thiên tài hội họa sống nhờ tiền trợ cấp của em trai và luôn áy náy vì điều này. Vinh quang đến quá muộn màng sau khi Van Gogh đã qua đời. Đến lúc chết, Van Gogh vẫn chỉ là một họa sĩ không mấy tên tuổi tại châu Âu, nhưng đến nay, tranh của ông nằm trong số các tác phẩm mỹ thuật đắt giá nhất thế giới. Một số bức tranh nổi tiếng của danh họa gồm Đêm đầy sao, Hoa hướng dương, Chân dung Bác sĩ Gachet,…

Bên cạnh đó còn có Beethoven. Cuộc đời ông được ví như một chuỗi ngày buồn bã. Tai họa, rắc rối cứ dồn dập đổ lên đầu nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại cho đến tận khi ông mất. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc như vậy nên dễ hiểu khi Ludwig Van Beethoven cũng sớm bộc lộ năng khiếu trong môn nghệ thuật này. Vốn là một người thầy dạy nhạc nên người cha Johann sớm nhận ra được năng khiếu của con và dạy Beethoven học đàn từ rất sớm. Thế nhưng, cách dạy dỗ của ông Johann lại chẳng giống ai. Hầu như ngày nào Beethoven cũng bị cha nhốt trong hầm, không cho ngủ để dành thời gian tập luyện. Mỗi khi cậu tỏ ra chểnh mảng hay làm sai, người cha lại không ngại ngùng dùng đòn roi để dạy dỗ. Thậm chí, ngay cả vào nửa đêm Beethoven cũng có thể bị cha dựng dậy bắt biểu diễn cho các bạn rượu của ông thưởng thức nếu không muốn bị cha đánh. Sự nghiêm khắc của cha góp phần khiến tài năng của Beethoven phát triển là điều không thể chối cãi nhưng cũng chính sự tàn bạo của ông đã ảnh hưởng xấu đến cả phần đời còn lại của Beethoven. Trắc trở tình duyên vẫn chưa phải là điều đau khổ nhất trong cuộc đời Beethoven. Sức khỏe của ông mới là điều đáng bàn nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã là một đứa trẻ ốm yếu, mắc đủ chứng bệnh, từ vàng da, thấp khớp, bệnh về mặt tới thoái hóa động mạch, đau dạ dày, viêm gan mãn tính, xơ gan, nhiễm độc chì…Năm 27 tuổi, Beethoven còn bắt đầu thường xuyên nghe thấy những tiếng ù ù trong tai và đến năm 30 tuổi, thính lực của ông yếu đi từng ngày. Nỗi lo sự nghiệp bị ảnh hưởng nói ra sự thực khiến Beethoven vừa phải vật vã tìm cách giấu nhẹm đi mọi chuyện, vừa chán nản vì không thể sẻ chia với bất kỳ ai. Đến khoảng năm 1814, khi Beethoven bước sang tuổi 44, ông gần như không còn nghe được gì, từ những bản nhạc, tiếng đàn cho đến lời nói của mọi người. Ông chỉ có thể giao tiếp với thế giới bằng những tờ giấy và chữ viết. Nhưng điều kỳ diệu là quãng thời gian Beethoven đau khổ nhất vì bệnh tật cũng là lúc ông sáng tác với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong đó, từ năm 1803 tới năm 1812, Beethoven đã soạn 1 vở opera, 6 bản giao hưởng cùng vô số bản hòa nhạc khác, bao gồm các bản giao hưởng từ số 3 đến số 8. Mặc dù không nghe được nhưng có lẽ ông đã viết nhạc bằng chính trái tim của mình. Âm nhạc là thứ đã in sâu vào tận xương tủy của ông. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng, tính cách nghệ sĩ chỉ tìm tới nghệ thuật. Chẳng ai muốn tìm đến bi kịch cho bản thân cả. Qua con mắt người nghệ sĩ ta thấy góc nhìn đa chiều, một cái nhìn khách quan của mọi vật.

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Nếu không tạo cho riêng mình những giá trị tốt đẹp thì cuộc đời sẽ chỉ mãi là một tờ giấy trắng tinh tươm, nhạt nhòa như “hạt cát vô danh” nhỏ bé, dễ bị cuốn trôi theo chiều gió, theo dòng tuần hoàn của thời gian. Thế giới rộng lớn còn con người nhỏ bé, nhưng không vô danh, tầm thường, cuộc sống có ý nghĩa hay không đều phụ thuộc vào cách nghĩ và cách sống của mỗi con người. “Hãy sống như những đóa hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời”. Nếu một ngày cuộc sống của bạn nhuộm màu đen tối, vậy hãy ước mơ là cây bút dạ quang điểm lên đó những vì sao chiếu sáng.

Học viên Châu Nguyễn Tố Trinh – tác giả bài luận

Nguồn trích dẫn: Báo vietnamnet, vtcnews, vnexpress, sucsongtre, viez.

 1,969 total views,  1 views today

Post a Comment