• No products in the cart.
Back to Top

FCT Club

CUỘC THI VIẾT LUẬN FCTC 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 1

Tác giả: Phạm Hồng Phúc

Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:

Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?

Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?

BÀI LUẬN

Trong cuộc sống với rất nhiều guồng xoay công việc và học tập, dường như tất cả mọi người, đặc biệt là những ai luôn đoái hoài về việc chinh phục những mục tiêu của cuộc đời họ, sẽ có thể tự hỏi rằng “thành công” liệu là gì? Và từ đâu mà thành công được sinh ra? Liệu thành công có hoàn toàn sinh ra từ thất bại, hay còn những yếu tố chủ quan hoặc khách quan nào mà chúng ta đã bỏ sót?

Thất bại là gì? Đơn giản theo cá nhân tôi, thất bại là tất cả những thứ mà mỗi người xem là một bước vấp ngăn cản con người tiến về phía trước. Khái niệm này không chỉ là thất bại từ một cuộc thi, cuộc chơi mà ngay cả đối với một số người tư tưởng tiến bộ, nhạy cảm với chính bản thân, thất bại thậm chí còn nằm ở cách phản ứng hay suy nghĩ sai lầm về một vấn đề bất kì ngay từ lần đầu tiên. Một khi đã thất bại, thì thứ giúp con người ta tiếp tục đứng vững dậy có thể là cả hai yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan điển hình như sự động viên, khích lệ từ những người xung quanh để làm bàn đạp tiếp tục tiến về phía trước. Thế nhưng đây là thất bại xét trên cấp độ cá nhân, nếu đó là thất bại từ một thứ khủng khiếp hơn, đáng nguyền rủa hơn – chiến tranh trên phương diện cả một dân tộc, quốc gia thì sẽ như thế nào? Và yếu tố chủ quan liệu có phải là tự lực gánh sinh?

Sau những tổn thất kinh tế và tàn dư chiến tranh nặng nề hậu Thế chiến thứ hai, Đức, Ý và Nhật, với tư cách là những cựu quốc gia Phát xít, đã có những chính sách riêng biệt phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, lịch sử của mỗi quốc gia làm nền tảng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thành công vực dậy từ đống đỗ nát mà ba đất nước này trải qua, trước hết, buộc thế giới phải sửng sốt dù rằng hận thù của địa cầu có bao trùm các cựu quốc gia Phát xít này đi cho nữa. Và khi nhìn kỹ vào những thành tựu rực rỡ ấy, mọi người lại càng phải công nhận họ đã tự mình vươn lên trên rất nhiều khía cạnh, dù không thể phủ nhận các quốc gia tư bản này đã từng được tài trợ bởi Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh và những yêu tố lịch sử, chính trị khách quan thuận lợi mà ba nước này thụ hưởng.

Phát triển giáo dục, cùng với bồi đắp lòng yêu nước, nhất là đối với Nhật, đã làm bệ phóng kinh tế, văn hóa cho quốc gia này. Đối với người Nhật, từ trước thế chiến thứ hai, công cuộc giáo dục đã được đẩy mạnh từ cuộc Duy Tân Minh Trị, không những thế còn được củng cố bởi những triết lý đạo đức, ái quốc của đạo Khổng, thúc đẩy người Nhật cần cù lao động để xây dựng quê hương, phát triển đất nước. Sự chỉn chu thậm chí là cầu toàn trong cách làm việc của người Nhật đã để đời những nhà sản xuất, các mô hình công nghệ uy tín Nhật Bản, điển hình như hãng mitsubishi, hiện hữu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với Nhật, tuy đại bộ phận người Đức và Ý không cầu toàn như người Nhật, hai quốc gia Châu Âu này vẫn có những chính sách thúc đẩy động lực của thị trường lao động, những chính sách kinh tế nhằm phục hồi công thương và canh tân đất nước. Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, xe ô tô Đức và sản phẩm thời trang Ý vẫn luôn là thương hiệu uy tín đối với công chúng ưa chuộng toàn cầu.

Như vậy ta có thể thấy được từ ví dụ về cách mà ba quốc gia từng gieo rắc chiến tranh cho nhân loại vượt qua bóng ma quá khứ để hiểu rằng yếu tổ chủ quan, nhất là việc tự lực tự cường, tự thoát ra khỏi bóng ma tâm lí của chính mỗi người, mỗi quốc gia, mới thực sự có đưa con người vượt qua chướng ngại của thất bại.

Không chỉ đối với quốc gia, mà kể cả cá nhân mỗi người, mấu chốt của việc tự lực vươn lên đó chính là trí tuệ. Trí tuệ giúp chúng ta nhìn nhận đúng sai và tìm cách sửa sai. Chính vì vậy mà trí tuệ là một trong những tài sản quý báu của loài người mà hầu như không thể bị ăn cắp từ tay ta, và cũng là then chốt khiến chúng ta khác biệt.

Lấy câu nói nổi tiếng của Elon Musk, tỷ phú Hoa Kỳ – CEO tập đoàn ô tô điện TESLA, khi trả lời phỏng vấn về việc ông có chấp nhận con gái mình kết hôn với người nghèo: “Người nghèo khi trúng xổ số thì vẫn là người nghèo với rất nhiều tiền, còn người giàu vẫn có thể chưa có tiền trong tay”.

Câu nói này cũng chính là lí giải cho việc trí tuệ, hay cụ thể hơn là khả năng làm ra của cải, mới làm nên sự giàu nghèo chứ không phải lượng của cải đang sở hữu. Vì người nghèo trúng xổ số nếu chỉ biết tiêu tiền mà không phát triển tri thức thì mãi nghèo, ngược lại, người chưa có tiền và sự nghiệp nhưng một khi tự lực vươn lên mọi nghịch cảnh để thăng tiến trong công việc, học tập thì chuyện có cơ ngơi, tài sản không sớm thì muộn cũng thành sự thực.

Trí tuệ đã có. Nhưng nếu không có trí tuệ thì thứ gì sẽ giúp ta có nó, và phát triển được tri thức? Đó là lòng kiên trì.

Cả hai người cùng vị trí có mức lương như nhau, nhưng sau một thời gian mức lương một trong hai người cao hơn người còn lại. Đó là vì trí tuệ giúp cả hai người cùng xuất phát điểm biết cách kiếm tiền ban đầu, nhưng về sau trí tuệ của ai phát triển hơn, có nhiều tư duy đột phá hơn thì sẽ có khả năng kiếm tiền nhiều hơn. Nhưng vấn đề là làm cách nào mà người có lương cao phát triển trí tuệ?

Trí tuệ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là lòng kiên trì mới tạo nên khác biệt như sự chênh lệch mức lương. Thậm chí đối với hai người với xuất phát điểm khác nhau, ở giai đoạn đầu tiên, người thông minh có thể kiếm nhiều tiền hơn người có ít vốn kiến thức. Thế nhưng nếu nhẫn nại tìm ra cách phát triển trí thông minh, cách giải quyết cốt lõi vấn đề để đạt được mục đích, người dù ở xa vạch đích đến mấy cũng sẽ vươn mình lên trên con đường học tập, sự nghiệp. Điều này càng chứng minh rõ trí tuệ là biến số, và biến số này biến thiên phụ thuộc vào biến số thứ hai – sự nhẫn nại.

Đến đây ta lại càng thắc mắc, thành công nếu chỉ dựa vào hai biến số này thì rất có thể không bền vững, chúng ta cần một hằng số, hay ít nhất là một sự liên kết bổ sung cho nhau giữa các yếu tố biến thiên này.

Bi kịch tạo nên kiệt tác hay chính tích cách của nghệ sĩ cùng với bi kịch tạo nên kiệt tác.

Mỗi một nghệ sĩ sẽ đều có thể cho ra đời những kiệt tác khi trở nên dạn dày mọi nghịch cảnh, khổ đau cuộc sống. Thế nhưng, phẩm chất của người nghệ sĩ khi tìm tới bi kịch chính là điều kiện cần và đủ để những tinh hoa nghệ thuật đi vào lịch sử nhân loại.

Bi kịch làm nên kiệt tác vì những áp lực của nghịch cảnh hình thành nên động lực cho chính tài năng người nghệ sĩ thăng hoa, nhưng nếu như người nghệ sĩ vẫn không có những phẩm chất cao đẹp hay không có cá tính riêng biệt để gửi gắm tinh hoa nghệ thuật thì tác phẩm họ tạo ra dù có đột phá, ngoạn mục vẫn không thể trường tồn theo thời gian. Bởi kiệt tác phản ánh tài năng của nghệ sĩ, và chính phẩm chất của nghệ sĩ phản ánh khả năng trường tồn của kiệt tác.

Nhưng nếu nói như vậy thì trí tuệ và lòng kiên trì phải phụ thuộc, phải lép vế hơn tính cách hay sao? Hoàn toàn không đúng. Vì tính cách sẽ có nhiều lúc thay đổi vì cám dỗ, vì những yêu tố khách quan, và chính trí tuệ, sự nhìn nhận đúng sai, cùng với lòng kiên trì uốn nắn tính cách sẽ bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau tạo ra một tam trụ: Trí tuệ – lòng kiên trì – tính cách. Cả ba yếu tố bình đẳng và luôn bổ trợ nhau để tạo nên bước đường tới thành công.

Học viên Phạm Hồng Phúc – Tác giả bài luận

 1,309 total views,  1 views today

Comments

  • reply
    DUY DO PHUC
    December 23, 2022

    hay

Post a Comment