• No products in the cart.
Back to Top

FCT Club

CUỘC THI VIẾT LUẬN FCTC 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 7

Tác giả: Phạm Bình Nam

Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:

Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?

Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?

BÀI LUẬN

Trên thế giới này có rất nhiều người cày ngày cày đêm để hướng về một thứ gọi là thành công, nhưng thành công là gì? Mỗi người lại có câu trả lời của riêng mình. Thành công có thể là sở hữu danh tiếng, hay sỡ hữu một gia tài tiền tỷ, hoặc đơn giản là có thể sống hạnh phúc bên người thân. Thành công có rất nhiều định nghĩa, tùy thuộc vào mỗi người, có thể thành công của người này lại là thất bại trong mắt người khác.

“Thất bại là mẹ thành công” – Một câu nói quen thuộc với nhiều người và cũng là lời khuyên phổ biến cho ai đó khi thất bại. Câu này có nghĩa là để có được thành công, trước đó con người đã phải nếm trải những thất bại, nhưng có thật là cứ thất bại thì sau đó sẽ thành công? Rất hiếm khi mà tự nhiên vừa thất bại cái thành công ngay, thường thì phải trải qua một quá trình dài tự rèn luyện và cải thiện bản thân thì mới tiến tới thành công. Thứ mà những người thành công rèn luyện hằng ngày để luôn thành công đó là tri thức.

Tri thức là tài sản vô giá của của thế giới, là điều giúp Đức, Ý và Nhật trở thành những cường quốc hàng đầu thế giới. Dù bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn sau thế chiến 2, nhưng với tri thức, những quốc gia này đã trở thành 3 trong 7 nước thành viên G7 chỉ sau 70 năm.

Ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến khi phát triển đại cường, dân tộc Đức đã là một dân tộc khác biệt với nguồn tri thức dồi dào. Tri thức của họ đã được thể hiện từ trong thế chiến thứ 2 đến hậu thế chiến, từ mật mã Enigma, các chiến thuật tấn công đầy khéo léo, đến các xe máy, xe hơi, máy ghi âm và hàng ngàn phát minh mang tầm cỡ thế giới khác. Cùng với tri thức và nền tảng rất vững chắc về khoa học, nước Đức còn có sự tự lập, trách nhiệm trong từng hành động, họ luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và khám phá đến tận cùng của mọi khía cạnh trong đời sống để hướng đến cuộc sống văn minh phát triển. Nhờ sự học hỏi nghiêm túc không ngừng, họ đã trở thành một cường quốc đi đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học, y học, xe hơi, hàng không vũ trụ… Không chỉ dừng lại ở khoa học, Đức còn là cái nôi của nền âm nhạc, văn chương, sân khấu và mỹ thuật của Châu Âu, nơi sản sinh ra những nhạc sĩ, những văn sĩ và thi sĩ ưu tú nhất trong lịch sử thế giới văn minh như Beethoven, Bach, Goethe, Heine và Schiller… Với khát vọng và tri thức, Đức đã từ một đống tro tàn sau chiến tranh thành một cường quốc về mọi mặt, một trong 7 thành viên của G7.

Tương tự Đức, Nhật và Ý cũng đã sử dụng tri thức và khát vọng của mình để trở thành những cường quốc trên thế giới và thành viên trong G7. Nhờ sự ham học hỏi của nhân dân, cả hai nước này đã nhanh chóng trở thành những nước đi đầu trong nhiều lĩnh vực như nước Đức. Trước và trong chiến tranh, ba nước Đức, Nhật và Ý này cũng là những cường quốc của thế giới. Họ chỉ bị sa cơ trước hậu quả của chiến tranh trong một khoảng thời gian, sau đó lại một lần nữa trở thành cường quốc trên thế giới. Tất cả là nhờ tri thức, kỷ luật và sự đoàn kết của nhân dân mỗi nước, đó cũng là điều tạo nên sự khác biệt so với các nước khác, cũng bị suy thoái nhưng không phát triển lại được.

Tương tự vậy, những tỷ phú sa cơ sau một thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú, tỷ phú. Những người đó đã có sẵn tri thức nên dù có sa cơ thì chỉ cần một ít thời gian để họ chuẩn bị, và sau đó họ sẽ quay trở lại và phát triển mạnh mẽ hơn. Còn những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên thì giàu lên là do hên, nay rất dễ bị sa cơ. Và khi sa cơ thì chỉ có thể mong chờ vận may mĩm cười tiếp chứ ít khi tự sức mình đứng lên được.

Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn đô mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu đồng. Điều khác biệt ở đây đó là tri thức. Tri thức giúp họ được làm ở các công ty lớn, ở các vị trí lớn, thế nên lương của họ luôn cao hơn người khác. Một vài yếu tố khác là kinh nghiệm và trách nhiệm. Kinh nghiệm giúp họ được nể trọng và được biết đến là một đàn anh trong ngành. Trách nhiệm giúp họ được nhiều người tin tưởng và giao cho những chức vụ quan trọng, những dự án lớn. Những điều này giúp họ có một mức lương đáng ao ước.

Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là những kiệt tác sinh ra từ bi kịch. Sau khi trải qua bi kịch, tác giả đã tìm ra nguồn cảm hứng mới cho tác phẩm của mình. Họ đã sử dụng bi kịch như một công cụ tạo ra những kiệt tác thơ ca, hội họa. Cảm hứng đó có thể là sự tiêu cực của tác giả sau bi kịch, hay sự tích cực hướng đến tương lai tươi sáng.

Có thể thấy, sau những thất bại, những bi kịch, thì nhiều người có thể tạo ra những thành công của đời họ. Để dược điều đấy, họ đã mài dũa tri thức, tính kiên trì, tinh thần lạc quan, kết hợp với kinh nghiệm của họ. Tri thức giúp họ nhận thấy những cơ hội từ thất bại của họ, giúp họ biến thất bại thành thành công, hoặc rút ra bài học và không tái phạm nữa. Tính kiên trì giúp họ không đầu hàng trước khó khăn, điều này đã giúp họ tiến gần tới thành công hơn mỗi ngày nhờ vào sự cố gắng không ngừng. Một tinh thần lạc quan sẽ giúp những người vừa trải qua thất bại, bi kịch có thể đứng dậy nhanh chóng và bắt đầu lại mọi thứ, hướng tới thành công. Ba điều trên cùng với vốn kinh nghiệm dồi dào đã có sẵn từ trước đã giúp những người đó vực dậy từ vực sâu, tiến tới một tương lai tươi sáng phía trước. Họ như những con phượng hoàng, hóa thành tro tàn sau những thất bại, và vực dậy hóa thành phượng hoàng tiếp tục sải cánh khắp bầu trời với những thành công của họ.

Học viên Phạm Bình Nam – Tác giả bài luận

 1,238 total views,  1 views today

Post a Comment