• No products in the cart.
Back to Top

FCT Club

CUỘC THI VIẾT LUẬN FCTC 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 4

Tác giả: Trần Huỳnh Thanh Trúc

Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:

Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?

Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?

BÀI LUẬN

Các nước bại trận Đức, Nhật, Ý sau thế chiến thứ 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này ?

Khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, nước Đức gần như chỉ còn là một đống đổ nát. Hầu hết cơ sở hạ tầng đều đã bị tấn công hoặc đánh bom bởi quân Đồng minh. Thành phố Dresden bị hủy hoại hoàn toàn. Dân số ở Cologne tụt từ 750.000 xuống chỉ còn 32.000 người. Lượng bất động sản giảm 20%. Sản lượng lương thực chỉ còn bằng một nửa so với mức trước chiến tranh, sản xuất công nghiệp giảm 1/3. Hầu hết những người đàn ông tuổi từ 18 đến 35, bộ phận dân số có khả năng lớn nhất trong việc gánh vác trách nhiệm tái thiết đất nước, đã hi sinh hoặc bị chiến tranh làm cho tàn phế. Nước Đức thời điểm đó chìm trong một bầu không khí chết chóc, nền kinh tế sụp đổ, vật tư khan hiếm, cuộc sống người dân rơi vào ngõ cụt. Ấy vậy mà, chỉ đến những năm 1950, Tây Đức đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đến năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất, đất nước này đã trở thành niềm đố kỵ của cả thế giới. Khi đó, Đức là nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản về GDP.

Bước tiến ngoạn mục của Đức từ một đống đổ nát hậu chiến tranh thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới thường được biết đến với cái tên “Phép màu Kinh tế Đức”, hay được người Đức gọi là “Wirtscaftswunder”. Vậy người Đức đã làm thế nào để đạt được thành tựu tưởng chừng như không thể này?

Bắt đầu từ chính sách kinh tế và khuyến khích lao động tài tình của bộ máy nhà nước. Cộng hòa Liên bang Đức đã nhận được 1,3 tỷ USD hỗ trợ tái thiết từ Kế hoạch Marshall của Mỹ, nhưng lãnh tụ của Liên bang Xô Viết là Joseph Stalin thì từ chối khoản hỗ trợ của Mỹ dành cho Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1948, ông Erhard đã thay đồng Reichsmark, đồng tiền đã trở nên gần như vô giá trị vì lạm phát lên đến 99% trong chiến tranh, với đồng tiền mới Deutsch Mark. Đi kèm theo đó là sự thiết lập của một ngân hàng trung ương để điều phối tiền tệ. Chỉ trong một đêm, Tây Đức đã sống dậy trở lại. Các cửa hàng tràn ngập hàng hóa vì người dân nhận ra đồng tiền mới có giá trị. Việc trao đổi hàng hóa trực tiếp nhanh chóng kết thúc, thị trường chợ đen giải thể. Khi mà thị trường thương mại chập chững hình thành, người dân cũng bắt đầu có động lực để làm việc trở lại. Thỏa thuận nợ London năm 1953 cho thấy 60% các khoản vay và phân phối của Đức đếu đã được xóa bỏ.Những công ty như Volkswagen, Siemens và Thyssen hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phương tiện tự động, điện tử và kỹ thuật đều được coi là những trụ cột của tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh. Góp phần đưa Đức trở thành một cường quốc về công nghệ sau này.

Ngoài tính siêng năng, người Đức cũng được biết đến với “kỷ luật thép” và phong cách làm việc chuyên nghiệp, làm hết sức, chơi hết mình. Chính vì vậy, đến những giai đoạn sau này, họ vẫn có năng suất lao động vượt trội so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Người Đức tuyệt đối tôn trọng việc đến đúng giờ. Khi làm việc, họ tập trung hoàn toàn vào công việc mà không ‘tranh thủ’ làm các tác vụ khác. Tại Đức, những email có nội dung riêng tư cũng bị nghiêm cấm sử dụng trong giờ làm việc.

Ngoài ra, người Đức cũng tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo. Họ không bao giờ xuề xoà cho qua vì sẽ hình thành thói quen làm sai, bất cẩn. Được giáo dục từ nhỏ nên người Đức trưởng thành tự khắt khe với bản thân trong công việc để đạt hiệu quả cao, không tốn thời gian vô ích. Người Đức tỉ mỉ, khắt khe, cầu toàn và nghiêm túc tuyệt đối. Họ luôn có ý thức tuân thủ luật lệ, trong cuộc sống và nhất là trong công việc. Chính vì vậy, những sản phẩm công nghiệp mà người Đức sản xuất ra nổi tiếng luôn đạt đến độ hoàn mỹ cao nhất, bắt nguồn từ sự tỉ mỉ và khắt khe của mỗi người lao động nước này.

Về phía Nhật Bản, họ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ; thiếu năng lượng, lạm phát kinh tế, vấn đề thất nghiệp. Chưa kể đến việc bị quân đội mỹ chiếm đóng. Hầu hết các cơ sở sản xuất được chuyển đổi thành sản xuất chiến tranh, hầu hết đều bị phá hủy trong chiến tranh. Với 6 triệu người lính Nhật Bản và dân thường trở về từ mọi vùng chiến tranh ở thái bình dương, chính phủ Nhật Bản phải đối mặt với gánh nặng thất nghiệp.

Mỹ kết thúc chiếm đóng Nhật Bản vào năm 1952. Trong giai đoạn 1945-1952, đã có nhiều nỗ lực nhằm giải thể các tập đoàn kinh doanh Nhật Bản gọi là zaibatsu. Bất kể là những tập đoàn xuất hiện từ trước chiến tranh như Mitsubishi hay Sumimoto, những công ty nhỏ hơn thành lập từ trước chiến tranh như Toyota, hay những công ty mới hiện đã trở thành những thương hiệu cực kỳ nổi tiếng như Sony và Honda- các doanh nghiệp ở Nhật Bản đều là những thể chế được tổ chức chặt chẽ theo cấp bậc, giống như một gia đình hay một tổ chức tôn giáo. Sự hợp tác chặt chẽ của Bộ công nghiệp cũng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cơ sở hạ tầng về con người đã cung cấp một môi trường rất lý tưởng: Nhật Bản có một lực lượng lớn người lao động năng động, kỷ luật, siêng năng và học hỏi nhanh, sẵn sàng làm việc nhiều giờ đồng hồ với mức lương (ban đầu) thấp và sẵn sàng gắn bó với công ty của họ. Điều này càng được củng cố với việc hình thành công ty kiểu mẫu độc đáo tại Nhật, với cam kết lao động lâu dài, lực lượng lao động có thâm niên và công đoàn làm trụ cột,” Ivan Tselicht Chev, một nhà kinh tế ở Đại học Niigata nhận định.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 đã mở ra cơ hội bùng nổ cho các doanh nghiệp Nhật Bản, với năng lực về công nghệ và chế tạo được Mỹ cực kỳ săn đón. Mức lương tại Nhật Bản cũng tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu dùng về sản phẩm gia dụng nội địa và các mặt hàng khác.

Người may mắn có nhiều tiền sẽ không bao giờ bằng được người tự kiếm nhiều tiền. Người kiếm nhiều tiền sẽ biết quản lý tài chính, người may mắn chỉ biết tiêu là chính. Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt ?

Vấn đề đầu tiên là tính chất công việc, phân biệt từ phức tạp đến đơn giản. Ví dụ so sánh lương tháng một lập trình viên chắc chắn sẽ phải hơn một nhân viên kế toán. Vì công việc của một lập trình viên chắc chắn sẽ nặng hơn một nhân viên kế toán trong khi xét chung thì cả hai vẫn là làm văn phòng. Cũng giống như có nhiều người thắc mắc tại sao phi công làm một nghỉ một mà lương tháng nghìn đô kèm nghỉ phép và nhiều phúc lợi, trong khi bồi bàn làm 8 tiếng một ngày thì lương tháng lèo bèo vài triệu. Đơn giản vì công việc mà phi công làm là vận hành một cổ máy phức tạp với trăm nghìn chi tiết trị giá hàng trăm triệu đô và còn mang trên mình hàng trăm sinh mạng, khi ấy sự tập trung, vốn kiến thức, kinh nghiệm chắc chắn sẽ được vận dụng tối đa. Đối với bồi bàn thì nhiệm vụ của họ đơn giản hơn nhiều lần chỉ là nhận món khách đặt, dọn bàn, v.v Do đó việc mức lương của phi công cao hơn gấp nhiều lần bồi bàn cũng là chuyện rất bình thường.

Vấn đề thứ hai ảnh hưởng đến số dư tài khoản mỗi ngày nhận lương đó là kinh nghiệm. Cùng là 1 phi công, nhưng cơ trưởng lại có mức lương gần gấp đôi lương cơ phó. Lý do vì cơ trưởng có thời gian bay nhiều từ gấp đôi đến gấp 3 lần cơ phó, lượng kinh nghiệm tích lũy được là rất nhiều. Lúc này các doanh nghiệp không chỉ trả tiền cho mỗi phần kiến thức mà cơ trưởng học được ở trường đào tạo, mà còn phải trả thêm cho phần kinh nghiệm ông ấy có được sau ngần ấy năm. 

Ở đây chúng ta không bình phẩm rằng nghề nào cao quý nghề nào tầm thường. Bản chất của hai vấn đề trên đều quy về 1 từ “giá trị”. Giữa một lập trình viên với một nhân viên kế toán thì tất nhiên giá trị mà một lập trình viên mang lại sẽ nhiều và rộng hơn, do đó mức thu nhập được nhận sẽ có phần cao hơn. Quay lại với hai anh cơ trưởng – cơ phó ở trên thì cùng là phi công nhưng vì cơ trưởng có kinh nghiệm dày dặn hơn nên mang lại được nhiều giá trị hơn cho công ty qua đó việc nhận được mức lương cao hơn cũng là điều tất yếu. Đối với xã hội hiện nay thì bằng đại học đã không còn là điều xa vời với các doanh nghiệp, vậy nên mức thu nhập bạn nhận được mỗi tháng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào kinh nghiệm và phần ít kiến thức bạn học được. Điều này không có nghĩa là học nhiều thì vẫn nghèo, người xưa có câu học phải đi đôi với hành, phần lớn kiến thức bạn học phải ứng dụng vào được thực tiễn thì nó mới hái ra tiền và chính phần ứng dụng kiến thức vào thực tiễn đó cho bạn kinh nghiệm. 

Vậy nên sự khác biệt giữa một người lương nghìn đô một năm và một người vài triệu một tháng đó là giá trị mà họ mang lại cho nơi họ làm việc. Số tiền bạn nhận được tỉ lệ thuận với giá trị bạn cống hiến cho xã hội!

Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?

“Trong thành công của tôi có 99% là mồ hôi và nước mắt, chỉ có 1% là do trời phú”. Không ai có thể phủ nhận được vai trò của những nhân tố trời phú, nếu bạn có một trí tuệ nhạy bén, bạ sẽ tiếp nhận những tri thức, nhìn nhận, đánh giá chính xác những vấn đề nhanh nhạy và dễ dàng hơn những người khác.

Khi chúng ta có một trí tuệ minh mẫn ta có thể thực hiện thành công nhiều dự định của bản thân mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức so với những người bình thường. Trong sự phát triển của mỗi người, trí tuệ và những yếu tố trời phú tuy quan trọng và hữu ích nhưng chỉ là một yếu tố nhỏ trong toàn bộ những yếu tố làm nên thành công.

Không một ai hoàn hảo, trí tuệ dù thông sáng nhưng cũng không thể hiểu biết được toàn bộ sự phức tạp, phong phú của thế giới. Nếu chỉ ỉ lại trí tuệ và những thứ trời phú ấy mà không có ý thức học hỏi, nỗ lực vươn lên thì trí tuệ ấy sẽ chỉ đứng tại chỗ mà chẳng thể phát triển. Trí tuệ là thứ trời phú nhưng nó lại được phát triển và hoàn thiện nhờ sự cố gắng học tập và rèn luyện của con người. Vì vậy trong cuộc sống của mình, nếu không may mắn sở hữu những bộ óc thiên tài thì cũng đừng buồn bởi đó chỉ là 1% quyết định thành công. Để vươn lên khẳng định giá trị của bản thân, hãy lấy sự cần cù bù thông minh, tôi tin rằng mọi nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng.

Điểm khác biệt giữa những người giàu nhờ sự “may mắn” và những tỷ phú, triệu phú là: Luôn cố gắng làm tốt hơn dù mục tiêu đã đạt được. Người giàu không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Đây là trở ngại lớn nhất khiến hầu hết mọi người không thể giàu hơn. Người bình thường đặt mục tiêu, đạt được chúng và sau đó ngồi lại và thư giãn. Người giàu không bao giờ bỏ cuộc. Một khi họ đạt được mục tiêu của mình, họ đặt ra nhiều mục tiêu hơn. Họ tìm kiếm những mục tiêu tốt hơn cho chính họ. Họ thử thách bản thân để trở nên tốt hơn, để đạt đến cấp độ tiếp theo. Người giàu biết luôn có nhiều thứ để học, nhiều thứ để hoàn thành và từ đó kiếm được nhiều tiền hơn.

Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sĩ tài năng tìm tới bi kịch?

Có thể thấy: “Văn học là nơi tái hiện lại cuộc sống con người, và khởi nguồn của sáng tạo nghệ thuật”. Mỗi một tác phẩm mà các nhà văn, nhà thơ viết lên đều bắt nguồn từ những cảm hứng nghệ thuật vô tận, những cảm hứng ấy được tác giả lấy ra từ chính hiện thực cuộc sống của con người. Chính bởi thế, mà mỗi tác phẩm ta đọc, thường sẽ luôn gắn liền với cuộc sống xung quanh, gắn với cuộc đời, số phận của từng số phận, với cảm xúc cá nhân của người viết.

Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, là cung bậc cảm xúc mà ta phải trải qua. Mỗi tác giả là một phong cách, một quá trình đi tìm cảm hứng cho riêng mình. Nguyễn Du vì thương xót cho số phận và tài năng của Tiểu Thanh, đã viết tác phẩm ”Độc Tiểu Thanh kí”.

Khởi nguồn cho sáng tạo nghệ thuật chính là vạn vật của sự sống xung quanh, và vai trò của của nhà văn chính là cảm nhận rồi đưa nó đến với người đọc. Vì lẽ, văn học chính là hiện thực cuộc sống, văn học gắn liền với sự sống của con người. Nhà văn nhìn cuộc sống dưới lăng kính của một người nghệ sĩ tài hoa, khai thác sâu vào từng khía cạnh mà người đọc chưa thể nhìn hay tìm thấy trong cuộc sống đời thường. Đem đến những cảm xúc chân thực, đưa người đọc từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, những bước ngoặt đầy bất ngờ. Tạo cho người đọc một cái nhìn hoàn mĩ về cuộc sống.

“Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân. Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan”. Vậy nên, do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sĩ tài năng tìm tới bi kịch đều là 2 yếu tố rất quan trọng để làm nên sự thành công của một tác phẩm.

Học viên Trần Huỳnh Thanh Trúc – tác giả bài luận

 683 total views,  3 views today

Post a Comment