CLB Tài năng Lập trình FPT Software với triết lý ‘ngược đám đông’
Xuất phát từ ý tưởng như Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FYT) – cái nôi nâng đỡ tài năng trẻ Việt Nam phát triển – CLB Tài năng Lập trình FPT Software (FCT Club) được thành lập vào năm 2020. Nằm dưới sự bảo trợ của nhà Phần mềm, CLB tập trung duy nhất một lĩnh vực là lập trình, với đối tượng là các em học sinh trong độ tuổi 13-17. Đặc biệt, FCT Club không phải môi trường để các bạn trẻ học thêm về lập trình, mà giúp họ phát triển năng khiếu với khối lượng học tập tương đương sinh viên đại học ngành Khoa học Máy tính. Hiện khóa I gồm 45 em đã kết thúc năm học đầu tiên.
Triết lý “rùa thời đại số”
Học viên sinh hoạt 3 năm tại FCT Club, mỗi năm chia làm 4 kỳ, bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc tháng 5 theo lịch học ở trường. Cuối mỗi năm học, CLB có trại hè tập trung kéo dài 1-2 tuần. Trong năm học, hình thức sinh hoạt là trực tuyến (online). Học phí được tài trợ 100%. Với các học viên có hoàn cảnh khó khăn, CLB sẽ xem xét hỗ trợ điều kiện vật chất để theo học.
“Về chương trình đào tạo, chúng tôi chọn cách hơi khác biệt, không đẩy nhanh để có kết quả sớm, chạy theo thành tích, mà đặt mục tiêu ngược lại: chậm mà chắc”, anh Phan Phương Đạt – Chủ tịch FCT Club – chia sẻ. Biểu tượng của FCT Club là một chú rùa thời đại số (cyberturtle), chậm nhưng kiên trì, không gián đoạn, không bỏ cuộc cho dù địa hình khó khăn đến đâu, và dành nhiều thời gian cho công việc của mình. “Thỏ có thể hơn rùa trong một chặng đua ngắn, nhưng rùa chắc chắn hơn thỏ ở thành tựu cả đời”. Ngay cả khi có khả năng học nhanh, các học viên vẫn cần sự chắc chắn, tỉ mỉ, không làm tắt, không sốt ruột, và quan trọng nhất là không bỏ cuộc. Đây chính là triết lý mà FCT Club mong muốn học viên và phụ huynh cùng chia sẻ.
Mỗi học viên sẽ có một thầy hướng dẫn (PT – personal trainer) và một phụ trách (Hannah) hỗ trợ trong suốt quá trình học. PT là kỹ sư lập trình của FPT Software, có trách nhiệm lập kế hoạch, theo dõi và hướng dẫn trong suốt quá trình để sao cho khi hết kỳ thì đạt mục tiêu đã đề ra. Hannah phụ trách liên lạc hằng tuần để giúp học viên tháo gỡ các vấn đề phi chuyên môn, bảo đảm cả học viên và PT dành đủ thời gian cho việc học tập/hướng dẫn.
“Học gì hoàn toàn do các em tự quyết định, chương trình đào tạo chiếm 70-80%, phần còn lại thầy trò sẽ cùng nhau làm một dự án hoặc một phần mềm, theo đuổi những mục tiêu riêng mà thầy trò thống nhất với nhau”, anh Đạt nói. “Chúng tôi chú trọng vào việc Tự học”. Theo đó, học viên sẽ chủ động vào học, vượt qua các khó khăn, chủ động nhờ sự trợ giúp khi cần. PT không đóng vai trò “lái đò” chở học viên đi, mà là người “chỉ đường” để học viên tự đi, giúp tháo gỡ khó khăn và chỉ dẫn khi học viên nản chí.
Với tinh thần ấy, học viên không cần so sánh bản thân với các bạn trong CLB, mà tập trung vào sự tiến bộ của mình. Năng lực tự học là phẩm chất mà FCT Club muốn rèn luyện cho các bạn trẻ, để các bạn sẵn sàng cho một xã hội mới đòi hỏi học tập suốt đời.
Trao Cơ hội để tìm Nguyên tố
“Chúng tôi muốn tuyển chọn các bạn nhỏ đam mê lập trình trên khắp Việt Nam có năng khiếu nhưng chưa đủ điều kiện để phát huy, mang đến cho các bạn cơ hội, bồi dưỡng các bạn trở thành lập trình viên xuất sắc như Nguyễn Hà Đông hay nhiều cái tên nổi bật khác”, anh Phan Phương Đạt bộc bạch.
Theo anh, tôn chỉ của FCT Club dựa theo triết lý của Sir Ken Robinson, chuyên gia giáo dục nổi tiếng người Anh. Ông tin tưởng sâu sắc rằng mỗi con người đều là một tài năng, đều mang trong mình một Nguyên tố, và hệ thống giáo dục phải giúp con người tìm được Nguyên tố đó cho bản thân.
Trong số những điều kiện để đánh thức Nguyên tố, vai trò của Cơ hội rất quan trọng. Tạo thêm Cơ hội cho các bạn nhỏ là cách giáo dục hiệu quả, đúng với tư tưởng của Sir Ken Robinson. Và triết lý của FCT Club là tạo ra những Cơ hội như vậy, cho tất cả bạn nhỏ Việt Nam.
Với tinh thần trao cơ hội hết mình cho thế hệ trẻ, chương trình đã nhận sự hưởng ứng rất lớn từ cả trong lẫn ngoài nhà Phần mềm. “Từ đợt tuyển PT, các bạn đã rất hào hứng có cơ hội hỗ trợ các em nhỏ. Chúng tôi tuyển được tới hơn 80 PT, nhưng do số lượng học viên cần hạn chế để đảm bảo chất lượng nên hiện hơn 30 thầy đang phụ trách các em”, anh Phan Phương Đạt cho biết.
Không truyền thông rầm rộ, năm học trước FCT Club vẫn nhận đến hơn 300 hồ sơ. “Năm nay chúng tôi đã nghĩ tới con số 500 hoặc hơn, bởi năm ngoái sau thời gian tuyển sinh, vẫn còn nhiều người nhắn tin bày tỏ tiếc nuối chưa biết đến chương trình sớm để gửi hồ sơ cho con em mình”, anh Đạt kể.
Rất nhiều cơ hội theo đuổi đam mê lập trình đã được đặt vào tay các em nhỏ. Theo anh Đạt, đây đơn thuần là một trách nhiệm xã hội quan trọng của FPT Software nói riêng và rộng ra là cả nhà F. “Chúng tôi trao cơ hội để ngay cả những em có hoàn cảnh đặc biệt nhất cũng có thể nắm bắt, còn việc các bạn có quay trở lại để hợp tác với FPT khi thành tài hay không, đó lại là câu chuyện của tương lai”.
Trích đăng từ nguồn
1,763 total views, 3 views today