• No products in the cart.
Back to Top

FCT Club

CUỘC THI VIẾT LUẬN FCT 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 10

Tác giả: Trần Ngọc Hải Trân

Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:

Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?

Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?

BÀI LUẬN

Thất bại, và thành công là hai trạng thái đối nghịch nhau của cá nhân, tập thể. Thật ra theo tôi, trong cuộc sống không có điều gì gọi là “thất bại tuyệt đối” hay “thành công tuyệt đối’ cả.

Sau thế chiến thứ hai, phe Phát Xít kiệt quệ. Điển hình như Đức, từ một đế chế hùng mạnh, châm ngòi cả một cuộc chiến làm chao đảo toàn bộ thế giới, trở thành một đống đổ nát. Năm 1945, ngoài những thiệt hại về mặt kinh tế, bất động sản, tổn thất về con người cũng đau thương vô kể xiết. Dân số ở Cologne từ 750.000 giảm xuống 32.000 người, vậy có nghĩa là chỉ còn chưa đầy 2.5% số dân còn sống sót. Phần lớn đàn ông trong tuổi trưởng thành có thể cống hiến cho đất nước thì, hoặc thân thể đã mãi bị chôn vùi với những thương tích của chiến tranh trong cát bụi, hoặc tàn phế. Vậy, bằng cách nào mà họ – những người được thế giới gắn cho cái tên “phe thất bại hậu thế chiến”, chỉ trong một thời gian ngắn lại vươn lên, trở thành cường quốc hàng đầu thế giới được?

Lại bàn đến chuyện người nghèo chuyển mình, trở nên giàu có sau một đêm nhờ cơ may, so sánh với những tỷ phú sa cơ, vì một sơ suất mà mất đi khối tài sản kếch xù của bản thân. Những câu chuyện như thế, ta thấy hàng ngày trên khắp các mặt báo. Nhiều đến mức, phần lớn chúng ta đã bắt đầu trở nên hờ hững với những đề tài này, và cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi. “Làm thế quái nào mà một người có thể ở từ dưới đáy xã hội đi lên hay ngược lại, từ đỉnh xã hội sụp xuống nhanh như thế được?”.

Xã hội vốn là một nơi chưa bao giờ có thể lường trước được điều gì. Dựa vào hai con người, kể cả xuất phát điểm như nhau, cùng đi làm thuê nhưng vẫn có người nhỉnh hơn. Không chỉ gấp đôi, gấp 10, 20 lần. Chúng ta gọi họ là “người thành công”. Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt đó? Chẳng lẽ “con đường” của “người thành công” có ít chông gai, khó khăn hơn những “người kém thành công” hay sao?

Câu trả lời của tôi cho tất cả những vấn đề trên là “Tính kỷ luật và sự biết nắm bắt thời cơ.”

Quả thật, đối với các nước ở phe Trục phát xít mà nói, để vực lại cả một quốc gia, cả một nền kinh tế sau chiến tranh thực khó. Nhưng ngẫm lại, chẳng phải dù là Nhật Bản hay CHLB Đức đều được cả thế giới khâm phục vì tính kỷ luật và sự chỉn chu của họ hay sao? Văn hóa Đức là luôn đúng giờ, đúng hẹn, làm trọn vẹn những công việc được giao. Văn hóa Nhật cũng tương tự. Họ cống hiến hết mình vì công việc, họ đưa sự chỉn chu vào cả nếp sống, nếp sinh hoạt. Đó là cả một hệ tư tưởng! Chính phủ Đức, Nhật cũng như người dân cả 2 nước đã đẩy tính trách nhiệm của mỗi cá nhân lên mức cao nhất, biến mỗi người thành một phần tử có thế đóng góp cho đất nước. Họ làm tất cả những gì họ có thể làm được. Sự kỷ luật và cầu toàn ấy, theo tôi là một trong những chìa khóa cho sự thành công của họ.

Thêm vào đó, họ còn biết lợi dụng thời cơ. “Wirtschaftswunder” là cụm từ riêng của người Đức để nói về sự kiện kì diệu này. Cùng với tính kỷ luật, cần cù của chính người dân Đức, chính phủ còn mở rộng chính sách nhập cư, tạo điều kiện cho các “Gastarbeiter”, hay còn gọi là những người di cư đến châu Âu để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Còn với Nhật Bản, họ lợi dụng sự bảo hộ trong chế độ quân quản của Mỹ để tập trung nguồn tiền, nguồn nhân lực vào việc phát triển kinh tế quốc gia. Như thế, chỉ sau một thời gian ngắn, các nước tưởng như “thất bại” này đã trở nên “thành công” hơn bao giờ hết. Thậm chí vượt cả những nước chiến thắng trong thế chiến.

Vấn đề thứ hai, tôi cũng sử dụng một câu trả lời tương tự.

Thay vì nghĩ tại sao họ có thể thay đổi đến thế sau một đêm, chúng ta nên xoay lại vấn đề “Tại sao trước khi gặp sự bất ngờ ấy, tại sao họ lại đứng ở vị trí đó?” Ngẫm lại, thật ra chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta giàu, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta nghèo. “Thành công” sinh ra sau một quá trình, “thất bại cũng vậy”. Khái niệm “giàu” và “nghèo” cũng chỉ là tương đối. Vì vậy, theo tôi, sự khác nhau chỉ nằm ở thời gian đó. Thời gian “trúng số” và “sa cơ”. Sau khoảng thời gian ấy, hai cá nhân ấy lại được đặt tại chung một vạch xuất phát. Người phất lên có biết cách sử dụng tiền và mở rộng nó hay không? Người sa cơ có biết cách quay lại với vị trí trước đó của mình không? Điều đó phụ thuộc vào tính nhẫn nại và khả năng nắm bắt thời cơ của mỗi cá nhân.

Vấn đề thứ ba cũng không có gì thay đổi.

Bản chất của sự khác nhau giữa tiền lương của hai cá nhân là ở tính chất việc làm và thương hiệu công ty tuyển họ làm. Tính chất công việc bao gồm nhu cầu doanh nghiệp cũng như khả năng đáp ứng nhiệm vụ của họ. Càng đáp ứng được những điều kiện ấy, họ càng dễ nhận được lương cao. Và theo tôi, chìa khóa của những điều kiện đó cũng là tính kỷ luật và sự nắm bắt thời cơ. Kỷ luật với bản thân, bắt buộc chính mình phải tự vươn lên đến tầm cao mới hơn. Cũng như luôn sẵn sàng “chộp lấy” bất cứ điều gì khả quan, thử những gì mình muốn thử, khám phá những gì mình muốn khám phá và cống hiến hết mình. Ấy là nhân tố mà tất cả các doanh nghiệp đều đang tìm kiếm. Có được nó, họ sẽ càng dễ được “chọn” và trở nên “thành công” hơn với những gì bản thân đang làm.

Còn một tính chất nữa tôi chưa nói đến, đó là khả năng vực dậy sau thất bại.

Danh họa Van Gogh tạo ra bức “Starlight Night” khi ông đang trong nhà thương điên, tạo ra “Cánh đồng lúa mì và bầy quạ” khi ông đang cận kề cái chết. Nhà soạn nhạc tài ba Ludwig van Beethoven cũng vậy. Ông đã tạo nên bản giao hưởng số 9 trong những ngày tháng cuối đời. Tất cả những kiệt tác ấy, đều được sinh ra trong hoàn cảnh thật khó khăn. Có người nói rằng đó là do tính cách tài năng của họ đã tìm tới bi kịch. Nhưng tôi nghĩ ngược lại, tài năng ấy bộc lộ ra mạnh mẽ nhất sau bi kịch.

Họ là những cá nhân có ý chí quật cường. Sử dụng đau thương để làm đề tài sáng tác cho bản thân. Dù là Van Gogh hay Beethoven, sau khi trải qua biến cố thì họ càng ngày càng làm mới bản thân hơn, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, để rồi thổi vào cho thế giới những làn gió mới. Khúc ca Khải Hoàn dẫn lối nhân loại, bức tranh với những giá trị sâu sắc đã làm thay đổi cả định nghĩa của hội họa và đặt việc thi hành nghệ thuật lên một tầm cao mới.

Các nước Phát Xít cũng không thể vực lại nếu cứ mãi đắm chìm trong nỗi u buồn của chiến tranh. Người trúng số rất nhanh rồi sẽ nghèo đi thôi, nếu như không biết cách sử dụng tiền bạc, người mất tiền cũng vậy. Người lương chưa cao nếu biết thay đổi bản thân và tận dụng thời cơ thì rồi cũng sẽ vươn lên, còn người lương cao hơn nếu thả lỏng bản thân quá mức cũng sẽ bị vùi dập bởi kẻ khác.

Như vậy, kết luận tôi muốn nói một điều rằng, trên thế giới không tồn tại khái niệm thành công hay thất bại tuyệt đối, chỉ có sự chăm chỉ và cầu tiến. Mọi sự chăm chỉ, biết thay đổi bản thân, biết cần cù nhẫn nại, biết nhìn rộng, biết đứng dậy sau khi vấp ngã rồi sẽ được đền đáp. Quan trọng nhất là không được sơ suất, chủ quan. Xin chúc tất cả học viên của FCT, các PT và Hannah nói riêng cũng như tất cả mọi người nói chung có thể luôn lấy mục tiêu dài hạn tương lai mà kiên định, đừng vì thành công nhất thời mà bỏ bê, cũng đừng vì một chút thất bại hay nhìn thấy sự thành công của người khác mà quên đi chính mình.

Học viên Trần Ngọc Hải Trân – Tác giả bài luận

 1,091 total views,  1 views today

Post a Comment