FCT Club đồng hành cùng tài năng lập trình: “Đam mê không từ trên trời rơi xuống”
Mẹ của Phú Minh, chị Nguyễn Yến Khanh, chia sẻ chị “luôn cảm thấy may mắn” vì đã đăng ký cho Minh học tại CLB. Chị hy vọng FPT cùng FCT Club sẽ là những tổ chức tiên phong ở Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa nhập và đa dạng, để giúp các học viên – nhân viên có tự kỷ phát huy được sở trường và thiên hướng, như nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã và đang làm.
Cùng FCT lắng nghe chia sẻ từ vai trò người mẹ, người bạn, người đồng hành cùng Phú Minh trên con đường tìm kiếm và theo đuổi đam mê:
“Năm 2016, Minh sang New Zealand học lớp 5 tiểu học khi mẹ đi làm nghiên cứu sinh. Khanh nhờ một anh sinh viên gốc Việt từ Đức sang học ở Wellington dạy lập trình cho Minh. Bản thân Khanh nhìn vào những dòng code giun dế là hoa mắt, chóng mặt rồi, nên cũng chẳng biết đặt mục tiêu gì cho hai anh em. Anh sinh viên mỗi tuần dạy Java cho Minh được 1h, trong chiếc phòng học 4m2 nhìn ra sân sau nhà. Rồi sau 3 tháng thì anh về nước, Minh bắt đầu tự học.
Khanh cũng đăng ký cho Minh đi Code Club ở Wellington. Ở đó các tình nguyện viên dạy Scratch, mà Minh coi Sratch là trò trẻ con, nên trong các buổi sinh hoạt Code Club Minh chẳng tập trung lắm. Mỗi buổi Minh đi Code Club là Khanh vác sách, ngồi ở hành lang 2h đồng hồ chờ đợi, hoặc ẹo ẹo lượn ở bến cảng.
Cách đây 7 năm, người đầu tiên nói cho Khanh nghe về bitcoin chính là Minh. Ôi giời, Minh mà đã ám ảnh về điều gì thì Khanh sẽ điếc tai về điều đó từ vươn thở tới tiếng thơ. Nhiều khi Khanh phải nói nặng nói nhẹ để Minh cho mẹ vài phút giây yên tĩnh. Khanh luôn nói mẹ thấy bitcoin là trò scam lớn nhất thời đại. Nhưng Minh bắt đầu đào bitcoin bằng cái máy tính vớ vỉn của nó. Minh vẫn miệt mài tự học. Khanh gợi ý Minh nên học theo những chương trình dạy lập trình lấy chứng chỉ cho bài bản, nhưng Minh chẳng bao giờ thiết tha chứng chỉ.
Đến lúc về Việt Nam, Minh bảo con muốn homeschool để có nhiều thời gian học và làm thứ con thích. Minh có tự kỷ, nên đi học cả ngày dài ở trường là một thách thức với con. Vì Minh tự học, nên Khanh cũng đã đôn đáo đi tìm mentor về khoa học máy tính cho Minh khắp năm châu, bốn biển. Một thầy giáo dạy khoa học máy tính ở Úc đã nhận lời, nhưng đúng lúc tâm lý Minh không ổn, nên không hợp tác tốt với thầy. Sau đó, một kỹ sư làm việc ở Tesla cũng bảo Minh có thể hỏi chú mỗi khi cần, mà Minh cũng không chủ động nên đã bỏ qua cơ hội. Cô An ở New Zealand cũng bảo chồng cô có thể làm mentor cho Minh, nhưng Khanh không dám động tĩnh, ỏ ê gì. Cô Minh ở Ohio cũng ngó ý Minh có thể nhờ chồng cô là Giáo sư công nghệ ở Mỹ làm mentor, nhưng Khanh chỉ cảm ơn rồi ậm ừ không xúc tiến gì.
Khi nhìn thấy thông báo Câu lạc bộ Tài năng Lập trình FCT do FPT Software sáng lập đang tuyển thành viên khóa đầu, Khanh động viên Minh nộp hồ sơ vào những ngày cuối trước khi hết hạn. Minh được thầy Long phỏng vấn qua Skype khi hai mẹ con vừa tới Quy Nhơn đi phượt tháng 9 năm 2020, Khanh phải ghé vào vườn sau của một resort ven đường cho Minh phỏng vấn, một buổi phỏng vấn ì ầm sóng biển. Minh được chọn vào Câu lạc bộ, có lẽ vì con khá đặc biệt. Sau này Khanh mới biết các thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ toàn các gương mặt sáng láng ở trường Hà Nội Amsterdam, Trần Đại Nghĩa, có cả các bạn học chuyên ở các tỉnh Hà Giang, Bình Phước, nhiều bạn đã từng dự và giành giải ở các cuộc thi quốc gia, quốc tế nọ kia.
Câu lạc bộ vạch ra một lộ trình để trong 3 năm, các bạn còn đang là học sinh phổ thông có thể học xong chương trình khoa học máy tính của Đại học Mỹ trên Coursera. Mỗi bạn đều phải tự học, và mỗi tuần có thể thảo luận với PT là các kỹ sư của FPT trong 1 giờ. Câu lạc bộ được tổ chức bài bản, nên Minh làm việc với PT tạm ổn, mặc dù mẹ vẫn phải ốp để khỏi quên deadlines nọ, nhiệm vụ kia. Các thành viên Câu lạc bộ cứ đều đặn mỗi năm báo cáo với Câu lạc bộ đã giành được mấy chứng chỉ từ Coursera. Nhưng Minh vẫn không thiết tha gì với việc lấy chứng chỉ. Nó nhất định không chịu xin hỗ trợ tài chính của Coursera với lý luận rằng gia đình nó không khó khăn đến mức không trả nổi học phí. Nhưng khi Khanh bảo mẹ sẵn sàng trả tiền cho con lấy chứng chỉ thì nó lại bảo con nhận tiền của mẹ tự nhiên con lại bị áp lực cam kết. Nó cứ làm đến đâu, học đến đó, nhưng chẳng có cái chứng chỉ Stanford, MIT nào. Khanh không ham chứng chỉ lắm, nhưng muốn Minh học theo lộ trình bài bản cho có hệ thống, chắc chắn, vì Khanh cũng chẳng đánh giá được trình độ Minh đến đâu.
Trong một buổi họp riêng, thầy Đạt bảo code của Minh rất thích phô diễn kỹ thuật phức tạp, cho những thứ chỉ cần làm đơn giản. Thầy bắt đúng nọn của Minh rồi. Vì thiếu tự tin, nên Minh lại rất thích thể hiện. Trong trại hè code camp lần đầu tiên tham dự cùng Câu lạc bộ FCT năm ngoái, nó luôn là đứa thích phát biểu nhất, thích thể hiện nhất, tới mức các bạn phải bảo nó tém tém cái mồm lại.
Minh bắt đầu làm dự án nghiêm túc vào tầm 14 tuổi, lúc mùa dịch bắt đầu. Mà dự án nghiêm túc đầu tiên của Minh chính là lập trình một sàn giao dịch tiền ảo, khi cả thế giới sôi sùng sục với tiền ảo. Khanh vẫn không nao núng, hàng ngày tụng kinh rằng cryptocurrency chẳng đại diện cho giá trị nào, chẳng qua đứa nọ cầm cục than nóng truyền tay đứa kia thôi. Đã có hàng trăm, ngàn sàn giao dịch tiền ảo, con làm ra một cái sàn nữa làm sao mà cạnh tranh nổi. Khanh bắt đầu không còn ngưỡng mộ Elon Musk cũng vì những vụ lùa gà liên quan tới tiền ảo của ổng. Dù không ủng hộ dự án tiền ảo của Minh, Khanh vẫn để cho Minh thời gian khá thoải mái để viết code. Thôi thì để cho Minh thất bại cũng là một cách học.
Minh miệt mài với dự án sàn tiền ảo suốt từ 2021, vắt sang 2022. Dự án của Minh đã tạm hoàn thành, hình như cũng có hơn chục khách đã giao dịch trên sàn của Minh. Với chút ít bitcoin đào được từ lâu, Minh cũng thực hành giao dịch ở sàn nọ, sàn kia, xong hàng ngày gọi điện cho dì Dung thảo luận về bắt đáy, đu đỉnh như thật. Rồi đến giữa 2022, thị trường tiền ảo lao dốc, tài khoản giao dịch của Minh cũng bốc hơi. Đúng lúc đó, Minh phát hiện nhà đầu tư thiên thần của Minh là một gã không đàng hoàng, nên Minh bỏ dự án tiền ảo.
Minh gần đây đã bắt đầu tự học AI và bắt tay vào làm dự án mới. Khanh bàn với Minh một ý tưởng kinh doanh khá hay ho nhưng thách thức, Minh nhận lời làm, với điều kiện mẹ tìm được partner khác có chuyên môn về AI và Machine Learning cùng làm với nó. Nếu thành viên FCT nào hứng thú làm một dự án dùng big data và AI thì hợp tác với Minh nhé. Khanh cũng láng máng rằng muốn làm data science thì nên học Python, mà Khanh dụ mãi Minh không chịu học Python. Nó tinh tướng bảo chỉ những người không biết lập trình mới phải học và dùng Python, vì ngôn ngữ, kỹ thuật rất đơn sơ.
Rồi thứ Ba tuần trước 7/3, Khanh bảo Minh thôi con tìm việc đi, con học trong dự án, công việc sẽ hiệu quả hơn là học ở trường. Khanh hướng dẫn Minh viết CV và thư xin việc, gom các dự án Minh đã làm trên Github lại để làm portfolio, rồi hướng dẫn Minh nộp hồ sơ cho một mớ vị trí thực tập sinh, học việc. Mô hình học nghề thông qua công việc là một mô hình chính thức tại Hà Lan, cho các bạn 16 tuổi trở lên. Chiều thứ Ba tuần trước Minh gửi đi hồ sơ xin việc đầu tiên, đến 9h tối hôm đó, khi Khanh đã lên giường thì Minh chạy sang bảo con vừa nhận được email mời phỏng vấn này. Minh phấn khích lắm, hỏi mẹ có trả lời email ngay không. Khanh bảo con cứ bình tĩnh, mai trả lời.
Vậy là sáng thứ Tư, Minh dậy từ 7h, ngồi tìm hiểu thêm về công ty mời phỏng vấn, rồi trả lời email. Sáng thứ Năm 9/3, Minh tham gia buổi phỏng vấn online đầu tiên. Buổi phỏng vấn diễn ra khá nhanh, vì Minh trả lời khá nhát gừng và hai chú sáng lập viên của start up đó nói là Minh chưa phù hợp.
Sau khi Minh thất bại trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, Minh rút kinh nghiệm, tự nói là con cần viết câu trả lời ra để có thể nói tốt hơn, nên nó tìm những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất, rồi viết câu trả lời, nhờ mẹ góp ý. Cũng ngay chiều hôm đó, Minh nhận được tiếp hai email mời phỏng vấn. Nhưng sau thất bại đầu tiên, nó trở nên lo lắng, bồn chồn tới mức muốn rút lui. Khanh phải lôi nó đi mua một hộp kem về ăn, rồi bảo nó lấy xe đạp đi một vòng đi. Nó đạp xe trong trời gió lộng, đến nhập nhoạng tối mới về, nhưng nó đã vui vẻ trở lại.
Cuộc hẹn phỏng vấn trực tiếp của Minh lúc 11h ngày 14/3, mà Khanh và Minh đi ra khỏi nhà từ 9h, Minh cần một đôi giày mới. Hai đứa đến nơi phỏng vấn trước 45 phút đồng hồ. Khanh tranh thủ dượt lại các câu hỏi phỏng vấn thông dụng một lần nữa, dặn Minh người ta hỏi gì con cũng phải trả lời cụ thể, mỗi câu hỏi phải trả lời bằng ít nhất 3 ý, với ví dụ, dẫn chứng chi tiết. Khanh còn lôi bộ câu hỏi phỏng vấn chuyên môn của Got It ra hỏi Minh nữa.
Trước khi Minh vào phỏng vấn, Khanh xin phép nói chuyện nhanh với người phỏng vấn. Khanh nói Minh có tự kỷ, con thông minh, đam mê, nhưng cách giao tiếp khác người, mong anh tập trung vào điểm mạnh của con. Người phỏng vấn nghe xong thì bảo Khanh cứ ở lại dự cuộc phỏng vấn. Vậy là Khanh được dự cuộc phỏng vấn của Minh.
Ui là trời, hôm trước phỏng vấn online Minh ta trả lời nhát gừng bao nhiêu thì phỏng vấn trực tiếp nó nói nhiều bấy nhiêu. Nhiều lúc chú kia còn đang nói mà nó đã giơ tay phát biểu như một đứa con nít trong lớp tiểu học. Xong nó hỏi và bình luận đủ thứ, khiến chú phỏng vấn cũng bảo con nói nhiều quá. Khanh nhắc Minh phải lắng nghe, mà nó hào hứng quá, không kìm được. Nhưng chốt lại, chú kia bảo chú muốn cho Minh cơ hội làm việc. Minh phải hỏi đi hỏi lại để chắc chắn là nó đã được nhận. Xong kết thúc cuộc phỏng vấn, nó cũng đề cập: trong quảng cáo tuyển dụng chú nói đây là vị trí có trả lương, chú cho cháu biết mức thù lao công ty sẽ trả. Chú kia bảo công ty sẽ trả một khoản thù lao đủ cho cháu đi lại và ăn trưa. Cuộc phỏng vấn của Minh kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ, dài hơn tất cả những cuộc phỏng vấn Khanh đã từng dự. Ra khỏi nơi phỏng vấn, nó vui vẻ lắm và bảo Khanh nó không muốn đi phỏng vấn thêm công ty nào nữa. Khanh mời Minh đi ăn trưa ở quán Nhật, xong Minh tự đạp xe về nhà, còn Khanh đến trường để họp.
Trong CV, Minh cũng rất thành thật viết rằng nó coi dự án sàn giao dịch tiền ảo là một thành công về sản phẩm, nhưng chưa thành công về thương mại, vì nó không có chuyên môn và nguồn lực marketing. Minh đã đổ quá nhiều thời gian cho dự án sàn tiền ảo đó, Khanh vẫn luôn bảo Minh đừng kỳ vọng về mặt kinh doanh, chỉ nên coi đó là một dự án học hành thôi. Nếu coi việc làm dự án đó là một cơ hội để học, thì Minh đã thành công, nhưng bản thân Minh thì cứ vật vã vì coi đó là một thất bại. Duyên làm sao, công ty đã tuyển Minh đang có dự án sử dụng blockchain, liên quan đến NFT gì gì đó, và kinh nghiệm Minh đã có với sàn giao dịch tiền ảo liên quan trực tiếp đến dự án mà công ty kia đang cần. Cơ hội đến khi Minh đã sẵn sàng.
Tối hôm đó, Khanh về đến nhà thì Minh bảo con lại nhận được lời mời phỏng vấn thứ tư. Nó bảo công ty này chuyên về phần mềm, sẽ hợp với con hơn, nên con sẽ đi phỏng vấn thêm. Ô giề, đúng rồi chàng trai. Gì thì gì, được lựa chọn và có phương án 2, 3 vẫn tốt hơn mà. Sau khi nhận được cơ hội làm lập trình viên học việc, Minh đã phát biểu: con sẽ tự lấy tiền của con để học Coursera, rồi khi con học xong thì xin mẹ tiền học phí sau, như vậy con đỡ bị áp lực hơn.
Tuy Minh đã nhận được việc nhưng Khanh vẫn rất lo lắng. Khanh không đánh giá được chuyên môn của Minh, nhưng biết chắc chắn rằng Minh còn phải học rất nhiều về cách quản lý công việc, kỷ luật với bản thân, để đáp ứng được deadlines, kỳ vọng và giao tiếp hiệu quả với người khác. Dù sao, nhận được lời mời làm việc tròn một tuần sau khi nộp hồ sơ cũng là một bước tiến đáng ghi nhận và ăn mừng của Minh. Đến lúc con đi làm, mẹ chắc ngồi ôm tim hồi hộp cả ngày.
Sự kiện trọng đại với Minh và cũng trọng đại với mẹ, nên Khanh nhìn lại chặng đường 7 năm con đã đi để động viên con và động viên cả chính mình, mặc dù Khanh nhiều lúc cũng kệ Minh hay quát Minh inh ỏi vì nó cứ mải code cả ngày, lúc làm việc nhà cũng không thèm để tâm để trí vào, nên lung tung, lộn xộn, bừa bộn, xà quần. Minh cần rèn tính cẩn thận, chu đáo trong những việc nhỏ và chán, thì mới làm việc quan trọng và yêu thích tốt được. Khanh dạy Minh vậy, nhưng bản thân Khanh vẫn ỉ i vào cái gọi là ưu tiên việc nọ, xao lãng việc kia như thường.
Đam mê lập trình của Minh không từ trên trời rơi xuống. Khanh đã làm vài cú hích hú họa với Minh. Về căn bản Khanh đã đọc và hiểu rằng công nghệ là cơ hội tốt với những người tự kỷ. Khanh rất phấn chấn khi thỉnh thoảng đọc thấy tin tức các công ty công nghệ lớn trên thế giới tuyển dụng người tự kỷ vào làm việc và có chính sách hỗ trợ để họ có thể làm việc tốt, phát huy điểm mạnh, và không nệ điểm yếu của họ. Biết vậy nên Khanh làm đại thôi, may quá cũng bắt trúng mạch của Minh. Trong hành trình 7 năm qua, điều cốt lõi nhất để Minh duy trì được đam mê chính là khả năng tự học. Homeschool có bao nhiêu bất lợi, nhưng đổi lại, cũng nhờ homeschool mà con có thời gian mênh mông để học và làm những thứ con thích. Mong rằng khả năng tự học sẽ giúp con đi được đường dài với nghề.”
3,341 total views, 1 views today