CUỘC THI VIẾT LUẬN FCTC 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 5
Tác giả: Trần Hải Long
Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:
Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?
Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?
BÀI LUẬN
Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Chúng ta từng đổ lỗi cho sự chậm phát triển của chúng ta là do tàn phá của chiến tranh. Không ai có thể phủ nhận chiến tranh có sức tàn phá rất kinh khủng, tuy nhiên tại sao sau khi kết thúc chiến tranh, một số nước hồi phục kinh tế rất nhanh và sau vài chục năm lại phát triển mạnh mẽ hơn, trở thảnh các cường quốc kinh tế, trong khi một số nước vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo? Tại sao các nước như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến thứ 2 bị tàn phá nặng nề nhưng sau 70 năm lại trở thành các cường quốc kinh tế? Đất nước chúng ta cũng đã chấm dứt chiến tranh nửa thế kỷ nhưng tại sao vẫn chưa phát triển? Theo tôi có ba yếu tố dưới đây ảnh hưởng chính đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia :
- Nguồn lực về tài sản, công cụ sản xuất tích luỹ, tài nguyên thiên nhiên : Bao gồm tích luỹ ngoại tệ, vàng, máy móc; tài nguyên thiên nhiên (đất đai, dầu mỏ, khoáng sản, vị trí địa lý, khí hậu) … Trong lịch sử đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh giữa các quốc gia nhằm tranh giành các tài nguyên này.
- Nguồn lực về con người : bao gồm sức khoẻ, học vấn, ý thức, văn hoá, tính cách, giáo dục, trình độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, quản trị, đội ngũ lãnh đạo … Nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng nhất, có vai trò quyết định đến sự phát triển của một quốc gia hay một tổ chức.
- Cơ chế vận hành của xã hội : bao gồm thể thế chính trị, hệ thống pháp luật : nguồn lực tự nhiên có phong phú bao nhiêu, con người có thông minh đến mấy nhưng nếu không được vận hành trong một cơ chế phù hợp thì cũng không thể phát huy được. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của đất nước ta khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Cơ chế ảnh hưởng rất lớn đến động lực cố gắng của từng cá nhân trong xã hội. Một cơ chế vận hành tốt sẽ giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên và con người, giúp tất cả các cá nhân nỗ lực, phát huy sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng tốc độ luân chuyển hàng hoá trong xã hội… ngược lại cơ chế không tốt sẽ tạo ra nhiều rào cản, tạo ra sự trì trệ, làm chậm quá trình phát triển.
Tài nguyên thiên nhiên, tài sản tích luỹ trong quá khứ là yếu tố quan trọng ban đầu nhưng khả năng tận dụng vận hành là trí tuệ của con người. Cơ chế vận hành cũng là do con người trong xã hội đó tạo ra, vì vậy nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất. Điển hình là Nhật Bản, đất nước không có nhiều tài nguyên, thiên tai động đất thường xuyên, bị tàn phá nặng nề sau thế chiến thứ 2. Nhật Bản có chiến lược đầu tư cho con người rất sớm từ việc giáo dục văn hoá, tinh thần tự hào dân tộc, lòng tự trọng, tính kỷ luật, hình thể, dinh dưỡng. Người Đức nổi tiếng với tinh thần tự tôn dân tộc rất cao, tính kỷ luật, tự giác, kiên trì, ý chí mạnh mẽ là đặc tính nổi bật của người Đức.
Đất nước chúng ta đã trải qua chiến tranh nửa thế kỷ, tại sao chúng ta vẫn chưa phát triển như họ? Có thể thấy rất rõ là nguồn lực con người sau chiến tranh, trình độ khoa học kỹ thuật, quản trị của chúng ta chưa có. Sau chiến tranh, tất cả chúng ta đều là những người nghèo, “nghèo” trên mọi phương diện còn các nước kia thì như là gã khổng lồ bị thương rồi lại đứng lên, hồi phục và lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?
Với cá nhân, khi một người đang nghèo tự nhiên có được một cục tiền từ “trên trời rơi xuống” như trúng số, bán đất? Đa số người nghèo sẽ xây nhà, mua xe, ăn chơi, đi du lịch, đánh bạc và sau vài năm hết tiền và lại tái nghèo. Tại sao có có những tỷ phú không may phá sản nhưng sau một thời gian họ lại trở nên giàu có. Các nghiên cứu chỉ ra lý do là có sự khác biệt rất lớn giữa người giàu và người nghèo ở tri thức, thói quen, tham vọng, mục đích sống…
Người giàu thường rất tham vọng, kiên trì, có thói quen tạo ra của cải vật chất, người nghèo có thói quen tiêu xài hưởng thụ các cụ hay bảo “giàu tham việc, nghèo tham ăn”
“Người giàu sắm cuốc sắm cày
Người nghèo muốn sắm đôi giày đi chơi
Người giàu làm nốt nghỉ ngơi
Người nghèo vừa tán vừa chơi khi làm
Người nghèo gặp khó từ nan
Người giàu họ quyết vượt ngàn khó khăn …”
Người nghèo hay tham lợi nhỏ, thiếu chủ động, người giàu họ biết đầu tư cho tương lai, biết tận dụng nguồn lực của xã hội để làm giàu cho mình và xã hội :
“Người nghèo đợi suất chia làng
Người giàu họ biết đãi đàng kẻ khôn
Người nghèo lợi nhỏ tranh hơn
Người giàu đem của trả ơn cuộc đời…”
Trích từ(https://vephuongdong.com/nguoi-giau-ke-ngheo/)
Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt?
Cùng đi làm thuê nhưng thu nhập của các cá nhân cũng có sự chênh lệch đáng kể. Sự chênh lệch mức lương của người đi làm thuê có rất nhiều lý do như :
- Giá trị thực mà họ tạo ra cho xã hội hoặc người thuê họ, giá trị tạo ra có thể đánh giá trên rất nhiều phương diện từ vật chất, kinh tế đến tinh thẩn, có nhiều người học rất giỏi tuy nhiên khi làm lại không thể tạo ra sản phẩm có giá trị cho công ty, xã hội thì nhận mức lương không cao là dễ hiểu.
- Mặt bằng giá cả chung của lao động trên thị trường: chịu tác động của cung cầu, giá cả hàng hoá, mức thu nhập bình quân trong xã hội, cùng một công việc làm ở Việt nam lương 20 triệu/tháng nhưng làm ở nước ngoài có thể được 100tr/tháng.
- Ngành nghề lựa chọn: những ngành nghề có xu thế phát triển, được đầu đầu tư nhiều thì thu nhập cao hơn các ngành nghề khác.
- Vị trí công việc trong tổ chức: cùng đi làm thuê nhưng Giám đốc, trưởng phòng, nhân viên có thu nhập khác nhau vì nhiệm vụ, yêu cầu về trình độ năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm cũng khác nhau.
- Cùng làm một tổ chức, một vị trí tương tự nhau nhưng mức lương giữa các cá nhân cũng khác nhau do năng lực, khối lượng, chất lượng sản phẩm tạo ra của mỗi người khác nhau, sụ đóng góp cho tổ chức khác nhau.
Trong lịch sử văn hoá, có những kiệt tác được sinh ra khi những tác giả đó trải qua các bi kịch trong cuộc sống. Đó là bi kịch sinh kiệt tác hay tính cách nghệ sỹ tài năng dẫn đên bi kịch?
“Cá nhân tôi nhận thấy, nghệ thuật có thể khởi đi từ nhiều suối nguồn khác nhau, và một trong những nơi khởi đi của nghệ thuật nhân loại chính là bi kịch.” – Lê Minh Phong. Trên thực tế đã có nhiều kiệt tác vĩ đại của nhân loại về nghệ thuật. Bức tranh “Đêm đầy sao” của Van Goth được sáng tác vào bi kịch cuối đời của ông đã trở thành một trong những bức hoạ nổi tiếng nhất và là một ví dụ hoàn hảo cho “nơi khởi di của nghệ thuật nhân loại chính là bi kịch”. Tham khảo thêm tại (https://vnexpress.net/dem-day-sao-kiet-tac-tu-bi-kich-cuoi-doi-van-gogh-4428736.html)
Theo tôi kiệt tác được sinh ra phải hội tụ đủ yếu tố tài năng và yếu tố cảm xúc. Khi có trải qua bi kịch, hoàn cảnh sẽ tạo ra những cảm xúc rất mạnh nhưng nếu thiếu tài năng thì cũng khó có thể tạo ra các kiệt tác. Với người nghệ sĩ tài năng, tài của họ là có thể nhìn thấy, phân tích và cảm nhận được cái đẹp, cái trong sáng hay đen tối trong hoàn cảnh đó mà có được nguồn cảm hứng bất tận. Thực tế bi kịch trong cuộc sống rất nhiều, nhưng không phải ai trải qua bị kịch cũng để lại được những kiệt tác
Nói về tính cách nghệ sỹ tài năng, cũng có trường hợp vướng vào bi kịch, cũng có trường hợp không. Tuỳ vào xu hướng sáng tác của những người nghệ sĩ đó hoặc những trải nghiệm. Nhiều nghệ sĩ tài năng dấn thân đi khắp nơi trải nghiệm cuộc sống, xác suất gặp phải bi kịch cũng cao hơn. Có lẽ câu trả lời cho câu hỏi trên có thể là cả hai…
968 total views, 1 views today