CUỘC THI VIẾT LUẬN FCTC 2022 – BÀI DỰ THI SỐ 11
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Mai
Đề bài: Bạn hãy thể hiện quan điểm của mình về những ý sau:
Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?
Cùng là đi làm thuê, có những người được trả lương vài ngàn $ mỗi năm, người khác chỉ có thu nhập vài triệu. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt? Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ta khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?
BÀI LUẬN
1. Các nước bại trận như Đức, Ý, Nhật sau thế chiến 2 bị tàn phá nặng nề với tổn thất lớn. Sau 70 năm họ lại là những cường quốc hàng đầu, là 3 trong số 7 nước thành viên G7. Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Trước khi khi đi vào câu hỏi, ta cần tìm hiểu một chút về lịch sử 3 nước này. Dù khác nhau về mặt địa lý (Đức Ý ở châu Âu, Nhật ở châu Á), nhưng có thể nhận thấy ba nước này đều có điểm chung là đều từng là những đế quốc hùng mạnh có rất nhiều nhân tài trong nhiền lĩnh vực. Vì vậy, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, không còn nắm quyền lực lớn trong tay, con người là thứ duy nhất mà các nước này có. Không bàn đến phẩm chất và tài năng của người dân nơi đây vì ở đâu cũng có người tài cả, nên để nói tại sao các nước bại trận đó lại có thể hồi sinh một cách thần kì như vậy thì chắc chắn phải dành một lời khen cho tầng lớp lãnh đạo của họ.
Chính quyền bên họ từ lâu đã rất biết cách tận dụng cơ hội và nhân tài trong nước, cộng với những chính sách phù hợp, thậm chí là liều lĩnh. Thường thì sau khi thua trận, các quốc gia sẽ chọn cách tập trung phát triển nội địa trong nước, đồng thời chỉ tìm sự giúp đỡ của các nước phe minh hoặc phe trung lập nhưng Đức Nhật Ý lại không như vậy, họ sẵn sàng làm tất cả để thoát ra khỏi khủng hoảng đó.
Về chính sách đối ngoại, họ nhận sự giúp đỡ, viện trợ của Mĩ – 1 trong những nước thắng trận, gia nhập vào NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) để được Mĩ bảo hộ về quân sự như Đức, Ý hoặc như Nhật thì kí các hiệp ước liên kết vô thời hạn về an ninh quân sự với Mĩ. Dĩ nhiên việc nhận sự giúp đỡ này cũng phải có nhiều sự đánh đổi. Nhìn vào phía tiêu cực thì các nước này sẽ phải chịu sự ảnh hưởng của Mĩ cả về quân sự và chính trị. Mĩ có thể sẽ đưa binh lính đến đóng quân trên lãnh thổ của học (điều này hiện đang xảy ra ở Nhật) và có thể nếu cần sẽ yêu cầu những nước này hỗ trợ thêm quân, thẳng thắn mà nói thì là yêu cầu tham gia vào những cuộc chiến của Mĩ và phải theo phe của Mĩ, và chắc chắn sẽ có tổn thất về người và của. Nếu nhìn vào mặt tích cực thì thứ mà các nước này sẽ được hưởng lớn nhất là về mặt kinh tế. Ví dụ cụ thể nhất là Nhật Bản, từ năm 1950 đến 1969, Nhật Bản đã tập trung gần như toàn bộ vào kinh tế, chỉ dành dưới 1% tổng sản phẩm quốc dân cho quân sự. Nhờ viện trợ của Mĩ, họ đã thu được 10,2 tỷ USD các đơn đặt hàng của Mĩ (tương đương 70 tỷ USD theo thời giá 2015). Trong giai đoạn này, 34% tổng giá trị hàng xuất khẩu sang Mĩ và 30% giá trị hàng nhập của Nhật là từ thị trường Mĩ (theo wikipedia). Đó là giai đoạn phát triển thần kì của Nhật, giúp Nhật trở thành cường quốc số 2 châu Á chỉ sau Trung Quốc đến tận ngày nay.
Về chính sách trong nước, các nước bại trận, nhất là Đức và Nhật tập trung rất nhiều cho sản xuất, phát triển kĩ thuật, công nghệ tiên tiến. Chỉ 3 năm sau thế chiến II, nước Đức trở thành nước xuất khẩu đứng đầu; năng suất và chất lượng các sản phẩm Đức, đặc biệt là của ngành chế tạo máy đã và vẫn luôn là tốt trên thế giới. Còn Nhật thì đã là một cường quốc về khoa học, công nghệ có đội ngũ chuyên gia đông đảo và chất lượng cao từ trước, hơn nữa lại liên tục được Mĩ đặt hàng vũ khí cho chiến tranh Việt Nam và Nhật Bản nên vị thế này lại tiếp tục được duy trì. Một điểm nổi bật khác trong chính sách của các nước này là họ rất chú trọng đến giáo dục.
Trong khi Nhật dành tận 7% ngân sách nhà nước (82.182,9 tỉ yên) cho giáo dục (theo wikipedia), thì Đức lại trao rất rất nhiều học bổng cho nhân tài để vừa khuyến khích được việc học trong nước, vừa thu hút được thêm người giỏi ở các nước khác sang làm việc. Quả là diệu kế mà ít có nước nào dám làm được, nhất là khi đó lại là những nước bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc chiến.
Với tất cả những gì đã viết ở trên, ta có thể kết luận rằng, nhân tố con người chính là yếu tố cốt lõi, then chốt cho sự phát triển vượt bậc của những nước bại trận như Đức, Nhật, Ý sau chiến tranh thế giới thứ hai. Họ, đã rất khôn khéo vận dụng hoàn cảnh lịch sử, vừa nhẫn nhục, lại vừa âm thầm nỗ lực tìm kiếm con đường riêng. Đó là những điều mà các nước khác nên học hỏi từ họ, cũng như chính mỗi người chúng ta nên làm như vậy khi phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt vậy.
2. Với cá nhân, tương tự như những nước phát triển, những người trở nên giàu có nhờ gặp may ngẫu nhiên như: trúng số, bán đất… thường trở lại nghèo khó sau một thời gian. Trong khi đó, những tỷ phú sa cơ còn thời gian lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ thành những triệu phú. Điểm khác biệt là gì?
Như đã nói ở câu trên, các nước như Đức, Nhật từ trước hai cuộc chiến tranh thế giới đã là những cường quốc đầy kinh nghiệm, họ từ lâu đã biết cách tận dụng nguồn lao động chất lượng để phát triển đất nước, những tỷ phú cũng vậy. Vậy điểm khác biệt giữa họ và những người khác là gì ? Theo tôi, đó là sự nhìn xa trông rộng và sự học hỏi.
Cái gần nhất có thể nói đến ở đây là thứ có thể mua được bằng tiền. Những người khác thì sẽ có xu hướng chỉ quan tâm đến là khi có tiền thì sẽ ăn uống no nê, sẽ mua được nhà to, xe xịn, tức là họ muốn dùng tiền để đáp ứng nhu cầu cơ bản của bản thân. Còn những người giàu (ở đây ám chỉ người kiếm được nhiều của cải) thì lại muốn dùng tiền để kiếm nhiều tiền hơn, tức là họ chỉ cần tiền để đạt tới những gì mình muốn nhanh hơn mà thôi. Có một sự thật rằng hầu hết những người giàu có nhất trên thế giới như Bill Gates, Elon Musk đều không phải lúc nào cũng sở hữu một lượng tiền mặt lớn mà thứ họ sở hữu nhiều nhất chính là những bản quyền về sản phẩm, một loạt công ty lớn nhỏ và những bất động sản lớn, đó mới chính là những cái họ nhắm tới chứ không phải là những bộ quần áo xa hoa hay xe xịn. Dĩ nhiên, sẽ có lúc họ thất bại và sa cơ lỡ vận, thậm chí là mất trắng, dù sao cũng đều là con người cả. Nhưng nhờ cái tầm nhìn rộng đó, những tỷ phú này đã có thể nhận ra sai lầm của bản thân mà vẫn có đủ bản lĩnh để dám vực dậy, cảm tưởng như họ thích giàu thì giàu, muốn nghèo thì nghèo vậy.
Còn những người nghèo, họ thường có xu hướng an phận, kiếm đủ ăn là đủ. Vì vậy, kể cả khi họ được cho rất nhiều tiền, như trúng số,thì họ sẽ cảm thấy phần khích, muốn mua mọi thứ mà mình muốn, với giá bao nhiêu càng tốt. Người có suy nghĩ hơn thì sẽ tiết kiệm, tiêu ít một, nhưng chẳng bao lâu thì cũng sẽ hết và tất cả lại trở về tình trạng ban đầu, thậm chí còn nghèo hơn. Chính cái suy nghĩ có tiền là có thể làm được mọi thứ ấy đã giết chết mọi sự cố gắng của họ để thoát nghèo.
3. Trong lịch sử văn hóa, đã có nhiều kiệt tác sinh ra khi tác giả của nó trải qua bi kịch trong cuộc sống. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch?
Có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng như tranh của Vincent van Gogh, bản giao hưởng số 8 và 9 của Bethoven được sinh ra khi những nghệ sĩ này gặp bi kịch. Đó là do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch? Tôi sẽ lấy chính hai nhân vật này để phân tích.
Về Vincent van Gogh, ông là một họa sĩ nổi tiếng ở Hà Lan. Ông nổi tiếng về những bức tranh phong cảnh và những bức tự họa được diễn tả bằng những đường nét uốn lượn rất đặc biệt. Nhưng ít ai biết rằng, ông chỉ nổi tiếng khi ông cắt tai của chính mình vào giai đoạn cuối của cuộc đời, mặc dù ông đã vẽ rất giỏi từ khi còn rất trẻ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Starry Night (đêm đầy sao) và đó là hình ảnh phác họa những gì Van Gogh thấy qua khung cửa sổ của bệnh viện tâm thần. Nếu nói những tác phẩm giống như trên là do Van Gogh trải qua bi kịch nên mới nổi tiếng thì cũng có lí vì, trong khoảng thời gian này, khác với những bức tranh trước đó, những tác phẩm của ông mang một nét trầm buồn nhưng lại có phần hơi rùng rợn, nó chứa đựng suy nghĩ điên loạn của người họa sĩ, khiến người ta tò mò và biết đến tình trạng của ông, dẫn đến sự nổi tiếng. Nhưng thực sự thì ngay từ đầu Vincent van Gogh đã là một người mặc cảm trầm tính, vì vậy có lẽ mà dù có vẽ đẹp đến cỡ nào thì ông vẫn không bán được tranh và kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần dẫn tới trầm cảm rối loạn thần kinh từ đó dẫn tới bi kịch như ta biết bây giờ. Nên, nói tính cách nghệ sỹ tìm tới bi kịch trong trường hợp này mới là đúng hơn, chính ông đã khiến mình trở nên như vậy.
Còn về nhà soạn nhạc người Đức Bethoven, hồi còn trẻ ông đã phải chịu đựng nỗi đau về thể xác khi bị nhiễm chì, dẫn tới điếc cả hai tai. Nhưng khác với Van Gogh, ông không hề suy nghĩ tiêu cực mà vẫn cố gắng hết mình cho những bản giao hưởng bất hủ. Một trong những bản giao hưởng nổi tiếng nhất của ông phải kể đến bản số 9, bản giao hưởng cuối cùng của ông. Nó có tên là Ode to Joy tức là Ca ngợi Niềm vui, lúc đấy ông đã vừa tuổi cao (cao so với thới đó) vừa điếc rồi, quả thật là một con người đầy nghị lực. Có thể nói, chính bi kịch đó đã khiến ông suy nghĩ nhiều hơn vào các bản nhạc của mình, làm cho những tác phẩm này trở thành kiệt tác, hay hơn rất nhiều so với những bản nhạc thời kì đầu của ông. Người ta nói là bi kịch sinh kiệt tác thì cũng chẳng sai.
Vì vậy có thể nói rằng, do bi kịch sinh kiệt tác, hay tính cách nghệ sỹ tài năng tìm tới bi kịch thì cũng tùy từng trường hợp nhưng thực tế mà nói thì dù có bi kịch hay không thì những nghệ sỹ này cũng đều tài năng cả, chỉ là khi có bi kịch xảy ra thì công chúng sẽ chú ý hơn tới họ và họ cũng dùng chính cái vận xui của mình để sáng tạo nghệ thuật, vô tình khiến nó trở nên đặc sắc nổi bật hơn các tác phẩm còn lại mà thôi.
1,270 total views, 1 views today