Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI)
Tác giả: Học viên Nguyễn Đặng Kỳ Anh – FCTC0141
1. Lời mở đầu
Sự linh hoạt là một yếu tố cần thiết đối với mỗi cá nhân nhằm giúp họ tồn tại trong một thời đại biến đổi không ngừng, và bằng chứng rõ ràng nhất cho nhận định này là việc thế giới vừa phải chứng kiến cơn đại dịch COVID-19 quét qua và làm thay đổi hoàn toàn mọi thứ. Tại thời điểm này, trong con mắt của những công ty hay tập đoàn lớn mạnh, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm “truyền thống” đối với một nhà lãnh đạo giờ không còn đủ. Phát triển trí tuệ cảm xúc cao hơn là điều tất cả các nhà lãnh đạo tương lai nên hướng tới. Điều này sẽ giúp họ không chỉ củng cố lòng tin, tinh thần và sự liên kết giữa các đội nhóm, mà còn nuôi dưỡng và động viên tinh thần cho các nhân viên của minh. Mặc dù trí tuệ cảm xúc không còn là một khái niệm mới đối với chúng ta nhưng sự thiết yếu của nó càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt từ khi sự bùng nổ của đại dịch COVID-19. Vậy trí tuệ cảm xúc là gì? Làm cách nào để phát triển trí tuệ cảm xúc trong thời đại ngày nay? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời trọn vẹn nhất có thể.
2. Trí tuệ cảm xúc (EI) là gì?
Trí tuệ cảm xúc ám chỉ khả năng tiếp nhận, kiểm soát và đánh giá cảm xúc của mỗi cá nhân. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ta có thể học tập và rèn luyện EI, nhưng một số khác cũng cho rằng nó là một đặc tính bẩm sinh.
Khả năng giãi bày và kiểm soát cảm xúc đóng vai trò hết sức thiết yếu trong cuộc sống, nhưng khả năng hiểu biết, diễn giải và phản ứng với xúc cảm người khác cũng vậy. Hãy tưởng tượng sự ngột ngạt, vô hồn khi sống trong một thế giới, nơi mà bạn không thể hiểu tại sao những người bạn của mình lại luôn buồn chán hay đồng nghiệp lại tỏ ra vô cùng giận dữ xem? Nhiều chuyên gia cho rằng EI thậm chí có thể đóng một vai trò quan trọng hơn cả IQ trong thành công của mỗi con người trong đường đời.
3. Các cấp độ của trí tuệ cảm xúc
Có 4 cấp độ của EI (sắp xếp lần lượt theo độ phức tạp tăng dần) bao gồm tiếp nhận, tư duy, nắm bắt và kiểm soát cảm xúc.
- Tiếp nhận cảm xúc: Ở cấp độ đầu tiên, để có thể hiểu rõ được cảm xúc thì ta phải nhận biết chúng một cách chính xác. Trong nhiều trường hợp, việc này sẽ bao gồm chúng ta phải nắm bắt được những dấu hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ như biểu cảm gương mặt hay ngôn ngữ cơ thể.
- Tư duy cảm xúc: Cấp tiếp theo yêu cầu chúng ta sử dụng cảm xúc để gia tăng suy nghĩ và khả năng nhận thức. Cảm xúc sẽ giúp ta ưu tiên những điều cần phải tập trung và phản ứng với. Trước hết ta nên nhận diện tâm trạng và cảm giác, suy nghĩ xem chúng có ý nghĩa gì và ảnh hưởng tới ta như thế nào rồi hẵng chọn cách để xử lý với chúng.
- Nắm bắt cảm xúc: Những cảm xúc chúng ta tiếp nhận có thể mang vô vàn ý nghĩa ẩn dưới nó. Nếu một ai đó đang bộc lộ những cảm xúc cáu giận, người quan sát cần phải diễn giải lý do dẫn tới cơn giận của họ và suy luận ý nghĩa của chúng. Giả sử nếu giáo viên của bạn đang tỏ ra bực bội, điều này có thể bởi vì họ đang rất bức xúc với kết quả của bạn, hoặc họ cũng có thể đang cãi nhau với người yêu.
- Kiểm soát cảm xúc: Khả năng kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả là một phần thiết yếu của trí tuệ cảm xúc và cũng là cấp độ cao nhất của nó. Ở giai đoạn này, chúng ta phải biết điều chỉnh, kiềm chế hợp lý cảm xúc của bản thân, và đồng thời phản ứng lại với xúc cảm những người xung quanh một cách chủ động.
4. Tác động của EI
❖ Theo nhiều nguồn dữ liệu được thống kê lại, đã có sự gia tăng đáng kể về sự quan tâm đến việc đào tạo trí tuệ cảm xúc và xã hội trong những năm gần đây. Các chương trình học tập về chúng đang dần trở thành một tiêu chuẩn trong chương trình giảng dạy của nhiều trường học.
❖ Mục tiêu của những sáng kiến đó không chỉ nhằm cải thiện sức khỏe và độ hạnh phúc mà còn giúp nhiều học sinh thành công trong học tập và ngăn ngừa bắt nạt học đường. Có rất nhiều ví dụ cho thấy rằng trí tuệ cảm xúc có thể đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.
- Suy nghĩ kĩ càng trước khi hành động: Hãy đặt bối cảnh rằng một sự kiện bất kì ở trường học đã khiến bạn trở nên vô cùng tức giận với bạn học trong thoáng chốc, cách xử lý giàu trí tuệ về mặt cảm xúc trong hoàn cảnh này là dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo trước khi phản ứng. Điều này sẽ giúp mọi người xoa dịu cơn nóng và nhìn nhận tổng thể về tất cả các yếu tố xung quanh cuộc tranh luận.
- Cải thiện nhận thức bản thân: Những cá nhân thông minh về xúc cảm không chỉ giỏi suy nghĩ về cảm giác của người khác mà họ còn rất giỏi trong việc nhìn nhận cảm xúc của chính mình. Khả năng tự nhận thức sẽ cho phép chúng ta cân nhắc các yếu tố khác nhau mà đã góp phần tạo nên cảm xúc của họ.
- Đồng cảm với các cá thể còn lại: Một phần không hề nhỏ của trí tuệ cảm xúc chính là khả năng suy nghĩ và động cảm với cảm giác người khác. Điều này thường bao gồm việc cân nhắc xem liệu bạn sẽ phản ứng thế nào nếu đặt mình trong một hoàn cảnh/tình huống tương tự họ.
❖ Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường có thể xem xét các quan điểm, trải nghiệm và cảm xúc của người khác và đồng thời giải thích về các hành vi, cách cư xử của những cá thể đó qua thông tin này .
5. Cách sử dụng EI
➢ Trí tuệ cảm xúc có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau trong cuộc sống hàng ngày mỗi người, và dựa trên những trải nghiệm của cá nhân thì mình có thể kể đến một số phương pháp luyện tập EI sau:
- Có thể chấp nhận những lời chỉ trích và chịu trách nhiệm.
- Có thể đứng lên sau khi mắc lỗi.
- Có thể nói không khi cần thiết.
- Có thể chia sẻ cảm xúc của bạn với người khác.
- Có thể giải quyết vấn đề theo những cách phù hợp với mọi người. ● Có sự đồng cảm với các cá nhân khác.
- Có kỹ năng lắng nghe tốt. (Tiếp thu thông tin và cảm xúc đầy đủ, có thể đưa ra câu trả lời người nói cần)
- Biết những gì bạn phải làm và lý do của chúng.
- Nói không với phán xét các cá thể khác.
➢ Hiểu được cảm xúc lẫn nhau có thể là chìa khóa cho các mối quan hệ tốt bền hơn, cải thiện sức khỏe và đồng thời kỹ năng giao tiếp bản thân.
6. Mẹo để cải thiện EI
Thông minh về mặt cảm xúc là rất quan trọng, nhưng bạn có thể thực hiện những phương pháp nào nhằm cải thiện các kỹ năng xã hội và cảm xúc của chính bản thân? Đây là một số lời khuyên dựa trên trải nghiệm cá nhân lẫn góc nhìn riêng của mình.
➔ Lắng nghe: Nếu bạn muốn hiểu được những gì người khác đang cảm thấy, bước đầu tiên là phải chú ý tới họ. Hãy dành thời gian của bạn để lắng nghe những gì mọi người đang cố gắng truyền đạt tới bạn, cả bằng lời nói hay những ngôn ngữ cơ thể hết sức nhiều ý nghĩa. Có lẽ mỗi chúng ta đều đã từng làm tổn thương một hoặc nhiều cá thể khác chỉ vì sự ích kỷ của bản thân khi đã không tôn trọng và tiếp thu trọn vẹn thông điệp của họ. Nếu ai cũng muốn nói thì liệu ai sẽ là người nghe?
➔ Đồng cảm: Tiếp thu được cảm xúc là một điều vô cùng quan trọng, nhưng bạn cũng nên đặt bản thân mình vào địa vị của người khác để thực sự hiểu rõ góc nhìn của họ. Việc làm đó sẽ có thể giúp bạn xây dựng hiểu biết về ý nghĩa cảm xúc trong các tình huống cụ thể và đồng thời phát triển những kỹ năng cảm xúc mạnh mẽ hơn về lâu dài. Trong quá trình mình lớn lên và dần dần thay đổi cách nhìn nhận của bản thân, mình đã luôn luôn phải tập luyện cách để đồng cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của người khác. Và tin mình đi, những gì ta nhận lại được sẽ hoàn toàn xứng đáng với quãng thời gian và công sức ta đã bỏ ra trước đó.
➔ Phản chiếu: Khả năng lý luận bằng cảm xúc là một phần thiết yếu của trí tuệ cảm xúc. Hãy nên cân nhắc cảm xúc của chính bạn đã ảnh hưởng thế nào đến quyết định và hành vi bản thân. Hãy thử suy nghĩ về các cách người khác phản ứng và đánh giá vai trò của cảm xúc của họ. Tại sao họ lại cảm thấy như vậy? Liệu có bất kì yếu tố nào chưa xem xét đang góp phần vào những cảm giác đó không? Cảm xúc của bạn khác họ như thế nào? Khi chúng ta khám phá, suy luận và trả lời những câu hỏi đã tự đặt ra như vậy, ta có thể dễ dàng hiểu được vai trò của cảm xúc đối với cách mỗi con người suy nghĩ và hành xử.
7. Đôi lời chia sẻ & kết thúc
Thật lòng mà nói, cách đây nhiều năm, mình từng là một người sở hữu kỹ năng giao tiếp không hề tốt và thường xuyên gặp nhiều khó khăn khi cố hòa nhập hay tìm được tiếng nói chung với các bạn cùng trang lứa. Vào một hôm hết sức tình cờ, như cách người tối cổ đã vô tình khám phá ra công dụng của lửa, mình thực sự muốn hiểu thêm về bản thân lẫn những cá thể khác. Trí tuệ cảm xúc chính là một trong những từ khóa cơ bản đầu tiên mình gặp và ghi chú lại được, và tà tà nó đã trở thành một phần thiết yếu trong mình. Là một người thiếu đi sự chủ động, trong những ngày đầu, mình bắt đầu từ việc tập luyện lắng nghe và tiếp nhận thông tin của các cá nhân khác: Từ những người truyền cảm hứng, phát biểu hay làm nội dung ở trên mạng,… cho tới bạn bè mình xã giao cùng ở trên lớp. Thoạt đầu lượng thông tin tiếp nhận vẫn còn nhiều giới hạn, nhưng một khi đã nắm được rõ kỹ năng này thì mình dường như không hề muốn buông nó đi. Mỗi ngày mình lại dành một ít thời gian để luyện tập nghe, nói hoặc nghĩ, và dần dần, mình nhận lại được những người bạn đã gắn bó với mình vô cùng khăng khít cho tới giờ. Vì vậy, mình nghĩ rằng nếu chúng ta có một lượng kiến thức nhất định về EI, và đồng thời luôn rèn luyện bản thân từ những phương pháp đơn giản nhất, thì nhận thức và thế giới quan của chúng ta sẽ được tô thêm những màu sắc mới hết sức huyền ảo và hấp dẫn. Khi đó, từ “tồn tại” mới có thể hoàn toàn thay bằng từ “sống.”
1,321 total views, 1 views today